Đòn bẩy kinh tế 2025: Vẫn trông vào đầu tư và chi tiêu công
(VNF) - Theo chuyên gia, năm 2024, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến động lực thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.
Kinh tế 2025: Đòn bẩy đầu tư và chi tiêu công
Ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc CTCP Dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup nhận định, tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 chắc chắn vượt mục tiêu 6,5%, kỳ vọng đạt mức 7%. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết quả vượt mục tiêu chủ yếu nhờ các yếu tố ngoại lực chứ không phải từ nội lực của nền kinh tế.
“Số liệu mới công bố cho thấy, 2 chỉ số dẫn dắt cho xu hướng phát triển kinh tế Việt Nam xuất khẩu 2025 là sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đều có dấu hiệu suy yếu, cầu tiêu dùng thì suy yếu sẵn rồi. Đây là cảnh báo cho thấy sức khỏe kinh tế chúng ta đang yếu đi so với hai quý vừa qua. Có thể đây sẽ là vấn đề của năm sau”, ông Báu cho hay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, xuất khẩu tăng trưởng nhanh lại dựa trên nền yếu của năm trước. Hiện tại, thị trường thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt. Do đó tăng trưởng kinh tế Việt Namxuất khẩu 2025 không thể duy trì được kết quả như năm 2024. Sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục trông vào xuất khẩu như là một động lực chính cho tăng trưởng.
Nhìn lại động lực trong nước, ông Hùng cho biết, tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Đây có thể là dư địa để biến động lực thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025.
"Năm nay, đầu tư tư nhân thì lại yếu, cho thấy tăng trưởng tín dụng khó khăn. Trong bối cảnh cầu nội địa, đầu tư nội địa yếu, cần dựa vào dư địa tăng chi tiêu Chính phủ. Như vậy, động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư tư nhân và tiêu dùng tăng lên", chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhận định.
Đây cũng là quan điểm của TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương. Vị chuyên gia này kỳ vọng yếu tố sẽ dẫn dắt tăng trưởng năm 2025 là cầu đầu tư. Trong đó, một phần từ đầu tư Nhà nước và phần khác là kỳ vọng đầu tư tư nhân cải thiện cùng với sự phục hồi kinh tế.
Một trong những đột phá mà vị chuyên gia này hy vọng trong 2025 là các quyết sách mới, cách làm mới giúp đẩy tiền ra nhanh hơn qua các kênh đầu tư công, giảm bớt tiền của Kho bạc Nhà nước, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
“Điều đáng tiếc là chúng ta không thiếu tiền, nhưng khi nền kinh tế thiếu vốn thì lại không đưa tiền ra được. Giải ngân đầu tư công chậm, hơn 1 triệu tỷ trong Kho bạc Nhà nước vẫn nằm đó. Đây là một lãng phí. Có nhiều dự án hàng chục năm chưa xong, đó là lãng phí, và cái lãng phí đó còn hơn cả tham nhũng”, ông Tú Anh nói.
Chính sách tiền tệ hỗ trợ đẩy mạnh tăng trưởng
Cũng theo TS. Nguyễn Tú Anh, chính sách tiền tệ Việt Nam năm 2025 sẽ phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ quốc tế với xu hướng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Tôi cho rằng Fed sẽ phải tiếp tục cắt giảm lãi suất, thậm chí mức giảm còn nhiều hơn bởi 'di sản' mà ông Joe Biden để lại cho tân Tổng thống Mỹ Donald Trump là khối nợ khổng lồ 35.700 tỷ USD, lãi suất năm 2024 là 892 tỷ USD, chiếm 3,1% GDP của Mỹ", ông Tú Anh cho hay.
Trong khi chi đầu tư của Mỹ cho y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng chỉ chiếm 2,4% GDP. Tức là phần tiền lãi đang càng ngày càng lớn.
Thêm vào đó, trước đây nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ lên 33,4% nhưng từ năm 2013 đạt đỉnh và bây giờ xu hướng giảm dần, hiện nay còn khoảng 23,5%. Điều này có nghĩa là nếu xu hướng người nước ngoài nắm giữ nợ của Mỹ càng thấp thì khả năng Mỹ in tiền và ảnh hưởng đến cả thế giới vì lạm phát của USD sẽ càng ít đi.
Như vậy, chính sách tài khoá của Mỹ đã đến giới hạn, muốn tăng trưởng sẽ phải tập trung vào chính sách tiền tệ, dẫn đến hạ lãi suất. Nhờ đó, Việt Nam có dư địa để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho biết, còn một yếu tố quốc tế nữa tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam là Trung Quốc. Nước này đang đẩy đầu tư ra nhiều hơn, kích cầu trong nước.
"Tôi đánh giá dòng đầu tư nước ngoài trong năm 2025 không chỉ từ những thị trường truyền thống mà từ Trung Quốc và những nước lân cận có thể sẽ tăng mạnh, làm cho dòng tiền vào tốt hơn, kéo theo cung tiền ra tốt hơn", ông Tú Anh cho hay.
Ông Tú Anh đánh giá, cán cân thanh toán năm 2025 sẽ dương. Đồng thời, vốn đầu tư công kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh rất quyết liệt. Bên cạnh đó, là việc tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém. Đây là ba kênh sẽ bơm tiền ra nền kinh tế trong năm 2025 với mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh tăng trưởng.
Về phía ngân hàng, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cho hay, trường hợp Fed vẫn tiếp tục giảm lãi suất, về mặt lý thuyết, lãi suất Việt Nam có thể có xu hướng giảm theo. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về cung tiền, khả năng giảm lãi suất không cao và có thể duy trì ở mức hiện nay. Việc duy trì lãi suất ở mức độ hiện nay đã là rất tốt, nhưng nếu giảm hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.
Giới phân tích kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay và sẽ có chính sách linh hoạt để duy trì lạm phát, lãi suất và tỷ giá, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mục tiêu 6,5 - 7% trong năm 2025.
Tăng trưởng 2024: Tổ chức quốc tế lạc quan, chuyên gia trong nước thận trọng
- Doanh nghiệp BĐS sắp xếp nguồn lực, sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng mới 05/11/2024 05:13
- "Bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong 2025' 02/11/2024 08:45
- Doanh thu xây lắp tăng trưởng, Đạt Phương báo lãi 172 tỷ sau 9 tháng 30/10/2024 04:23
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.