Đồng Nai xây 10 cây cầu kết nối với TP.HCM và các tỉnh lân cận

Trần Lê - 05/07/2024 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 (tầm nhìn đến năm 2050), Chính phủ cho phép trước năm 2030 Đồng Nai sẽ kết nối nhiều cầu đường bộ với TP. HCM và các tỉnh giáp ranh.

Theo đó, Đồng Nai sẽ kết nối với TP.HCM qua 3 cây cầu gồm cầu Phú Mỹ 2 kết nối đường 25C với đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7; cầu Đồng Nai 2 nối với đường vành đai 3 TP.HCM; và cầu thay phà Cát Lái.

Với Bình Dương, Đồng Nai sẽ kết nối qua 4 cây cầu đường bộ gồm cầu Hiếu Liêm 2, cầu Tân An - Lạc An, cầu Tân Hiền - Thường Tân, cầu Thạnh Hội 2.

Với Lâm Đồng, Đồng Nai sẽ làm hai cây cầu Đắc Lua 2, cầu Mỏ Vẹt vượt sông Đồng Nai kết nối với huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh.

Đồng Nai cũng sẽ làm cầu Suối Lớn (4 làn xe) nối với huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận

Đồng thời, với lợi thế giáp ranh TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, giai đoạn từ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, Đồng Nai sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics… để đồng bộ, tạo liên kết vùng và khai thác tối đa tiềm năng của sân bay Long Thành.

Đồng Nai hiện đang là đại công trường với nhiều dự án lớn (ảnh minh họa)

Theo quy hoạch mới được phê duyệt, Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên 6 hành lang và 3 vành đai.

Các hành lang bao gồm: Hành lang sông Đồng Nai, hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và quốc lộ 51, hành lang cao tốc TP. HCM - Long Thành - Phan Thiết, hành lang quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam, hành lang quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, hành lang cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Các dự án này hiện nay cũng đã và đang triển khai, dự kiến đưa vào khai thác trong giai đoạn này đến năm 2030.

Ba vành đai gồm: vành đai 4 vùng TP. HCM, vành đai quốc lộ 56 - đường tỉnh 762 và vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Cũng theo quy hoạch được duyệt, trước năm 2030, Đồng Nai sẽ kết nối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến huyện Trảng Bom.

Sau năm 2030, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như tuyến đường sắt đô thị trung tâm hành chính mới - sân bay Biên Hòa; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh; tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Cẩm Mỹ - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị sân bay Biên Hòa - sông Đồng Nai (kết nối đến tỉnh Bình Dương).

Đối với đường sắt kết nối vùng, Đồng Nai thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và đầu tư xây mới tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. HCM - Nha Trang, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành.

Nghiên cứu, đầu tư mới tuyến đường sắt kết nối từ đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đến cảng Phước An.

Đồng Nai hiện đang là một đại công trường với hàng loạt dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 TP. HCM.

Đồng Nai cũng đã có các tuyến đường lớn ngang qua như QL1, QL51, QL56, QL20, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Phước An...

Một số dự án lớn cũng đang hoàn thiện hồ sơ như sân bay Biên Hòa, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Cát Lái, Vành đai 4 TP. HCM...

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.