Tài chính quốc tế

Đức ra tay quốc hữu hoá hãng khí đốt khổng lồ đang 'hấp hối'

(VNF) - Chính phủ Đức ngày 21/9 đã ký thỏa thuận quốc hữu hóa Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của nước này, nhằm giành quyền kiểm soát lĩnh vực năng lượng.

Đức ra tay quốc hữu hoá hãng khí đốt khổng lồ đang 'hấp hối'

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, đưa ra tuyên bố về việc quốc hữu hóa Uniper hôm 21/9.

Theo thoả thuận, chính phủ Đức sẽ mua lại 8% cổ phần của công ty năng lượng nhà nước Phần Lan Fortum (FOJCF) đang kiểm soát Uniper với giá 500 triệu EUR. Theo đó, chính phủ Đức sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Uniper, với 98,5% cổ phần.

Giám đốc điều hành của Fortum, ông Markus Rauramo, hoan nghênh quyết định của Berlin và cho rằng: “Trong hoàn cảnh hiện tại của thị trường năng lượng châu Âu, cũng như mức độ nghiêm trọng về tình hình Uniper, việc thoái vốn tại Uniper là bước đi đúng đắn, không chỉ đối với Uniper mà còn cả Fortum”.

Ông Markus cũng nói thêm rằng thiệt hại của Uniper do việc Nga hạn chế cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước châu Âu đã lên tới gần 8,5 tỷ EUR. Do đó, châu Âu đã đã phải tìm nguồn cung khác với chi phí đắt đỏ hơn.

Uniper từng cung cấp khoảng 40% nguồn cung khí đốt cho khách hàng ở Đức vào thời điểm trước khi căng thẳng Ukraine nổ ra. Công ty đã khoản lỗ ròng hơn 12,6 tỷ USD trong nửa đầu năm, đồng thời đã chứng kiến giá cổ phiếu công ty giảm 90% từ đầu năm tới nay.

Thỏa thuận quốc hữu hoá Uniper được xây dựng dựa trên một gói giải cứu đã được thỏa thuận vào tháng 7 sau khi hãng này lâm vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” bởi nhiều tháng Nga cắt giảm nguồn cung và giá khí đốt tại thị trường giao ngay tăng vọt.

Thời điểm đó, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố chính phủ sẽ can thiệp bằng gói cứu trợ lên tới 15 tỷ EUR (15,3 tỷ USD), trong đó 7,7 tỷ EUR (7,8 tỷ USD) để bù đắp các khoản thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, trong khi ngân hàng nhà nước KfW đồng ý tăng khoản tín dụng lên 7 tỷ EUR (7,1 tỷ USD).

Trong một diễn biến liên quan, mặc dù nguồn cung cấp khí đốt thông qua Nord Stream 1 bị đình chỉ, nhưng dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy với hơn 90% công suất.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tự tin cho rằng với lượng dự trữ cao, nền kinh tế lớn nhất EU có thể vượt qua mùa đông này mà không cần khí đốt của Nga, song cũng cảnh báo rằng kho dự trữ sẽ trống rỗng sau những tháng sau đó.

Xem thêm >> ‘Gã khổng lồ’ khí đốt Đức lại cầu cứu chính phủ dù đã được hỗ trợ

Tin mới lên