Dược Hậu Giang chia cổ tức: SCIC và cổ đông Nhật nhận về gần 500 tỷ
(VNF) - Hai cổ đông lớn của Dược Hậu Giang là SCIC và Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) sẽ bỏ túi hàng trăm tỷ đồng trong đợt cổ tức này.
Dược Hậu Giang trả cổ tức hậu hĩnh
Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) mới đây đã thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, tương đương 4.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 130,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, DHG dự kiến phải trích ngân sách gần 523 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức này.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp khá cô đặc, với 2 cổ đông lớn nắm giữ phần lớn cổ phần là 94,3% là Taisho Pharmaceutical Co.,LTD và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), lần lượt sở hữu 51,01% và 43,3% vốn. Cổ đông Nhật Bản với tỷ lệ sở hữu chi phối sẽ nhận về 267 tỷ đồng, còn SCIC nhận về hơn 226 tỷ đồng trong đợt phân phối lợi nhuận của DHG.
Tính đến cuối quý III/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DHG ghi nhận hơn 637 tỷ đồng. Việc chi trả cổ tức sẽ khiến phần lợi nhuận giữ lại này giảm còn 114 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận được ĐHĐCĐ thông qua, DHG sẽ chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 75%, như vậy cổ đông của doanh nghiệp dược này, đặc biệt là 2 cổ đông lớn nêu trên, sẽ còn nhận thêm khoảng 457 tỷ đồng cổ tức còn lại nữa.
Chính sách cổ tức hậu hĩnh đã được DHG duy trì nhiều năm nay, dao động từ 30-75%. Trong đó, hưởng lợi lớn nhất là SCIC, cổ đông lớn lâu năm nhất của DHG. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp mà SCIC chưa lên kế hoạch thoái vốn nhờ hoạt động hiệu quả, chia cổ tức cao và thị giá cổ phiếu duy trì ổn định.
Sức hút của ngành dược cũng như nội tại DHG không chỉ giữ chân được SCIC, mà còn thu hút được nhà đầu tư Nhật Bản Taisho Pharmaceutical, từ đối tác chiến lược thành công ty mẹ.
Vào năm 2017, đại diện Taisho cho biết không có ý định thâu tóm DHG, chỉ mong muốn hợp tác cùng phát triển. Dẫu vậy, công cuộc thâu tóm, chi hàng nghìn tỷ đồng để biến DHG thành công ty con diễn ra sau đó 2 năm, hoàn tất vào tháng 5/2019.
Từ năm 2018, DHG đã nới room ngoại từ mức 49% lên 100%. Động thái này được cho là mở đường cho Taisho rộng đường thâu tóm doanh nghiệp dược này. Sau khi kết thúc thương vụ thâu tóm từ năm 2019, Taisho vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng sở hữu tại DHG. Điều này không ngoại trừ khả năng do khối lượng lớn cổ phần của DHG vẫn đang thuộc sở hữu của SCIC.
Lợi nhuận sẽ vượt kỳ vọng
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, DHG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.426 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 571 tỷ; lần lượt giảm 1,6% và giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, DHG đã hoàn thành 66% kế hoạch về doanh thu và 59% kế hoạch về lợi nhuận.
Các dự phóng của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho thấy DHG có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra, nhưng sẽ hụt hơi đôi chút ở kế hoạch doanh thu.
Cụ thể, FPTS dự phóng doanh thu thuần của DHG đạt 5.162 tỷ đồng trong năm 2024 (mức kế hoạch 5.200 tỷ đồng), tăng 3% so với mức thực hiện năm 2023. CAGR được kỳ vọng đạt 6%/năm trong giai đoạn 2024-2028. Trong đó, triển vọng tại kênh OTC được đánh giá khả quan nhờ nhu cầu tại các nhà thuốc kỳ vọng phục hồi.
Kênh ETC cũng tích cực hơn nhờ nhu cầu khám bệnh tại các bệnh viện duy trì ở mức cao nhờ độ phủ bảo hiểm y tế kỳ vọng đạt 95% (2025) và tỷ lệ mắc bệnh mãn tính có xu hướng tăng trong dài hạn.
Doanh thu hàng sản xuất của DHG ước đạt 4.559 tỷ đồng (tăng 3%) trong năm 2024 và dự phóng tăng trưởng với CAGR đạt 7% trong giai đoạn 2024-2028. Triển vọng tăng trưởng mảng hàng sản xuất chủ yếu đến từ các dòng thuốc chủ lực của DHG là thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau - hạ sốt, thuốc tim mạch - tiểu đường.
Trong đó, doanh thu từ thuốc kháng sinh dự phóng đạt 1.637 tỷ đồng (tăng 6%) trong năm 2024 và tăng trưởng tích cực với CAGR đạt 12%/năm. Việc đạt EU-GMP tại nhà máy Betalactam mới kỳ vọng sẽ giúp DHG mở rộng danh mục thuốc kháng sinh chất lượng cao, gia tăng tỷ trọng thuốc nhóm 1-2. Cùng với đó, dòng thuốc kháng sinh được dự báo tăng trưởng với tốc độ 9,2%/năm, theo IQVIA, củng cố cho dự phóng của FPTS.
Doanh thu thuốc giảm đau - hạ sốt ước tính đạt 1.021 tỷ đồng (tăng 6%), tăng trưởng với CAGR đạt 7%/năm nhờ lợi thế về hệ thống phân phối và sản phẩm chiếm thị phần cao tại kênh OTC và nhu cầu tiêu thụ thuốc giảm đau hạ sốt được dự báo tăng trưởng với tốc độ 9%/năm (theo Euromonitor).
Doanh thu thuốc tim mạch - tiểu đường dự phóng đạt 481 tỷ đồng (tăng 9%), tăng trưởng với CAGR đạt 8%/năm nhờ sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao Japan GMP và tỷ lệ mắc bệnh mãn tính có xu hướng tăng.
FPTS dự phóng lợi nhuận trước thuế của DHG đạt 1.273 tỷ đồng (vượt qua mức kế hoạch 1.080 tỷ đồng), tăng 2% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự phóng đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 8% dựa trên giả định thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (nhờ được hưởng ưu đãi thuế tại nhà máy In bao bì DHG (giai đoạn 2018-2026) và nhà máy Dược phẩm Hậu Giang (giai đoạn 2019-2028)).
Tổng giám đốc Dược Hậu Giang rời ghế, 2 giám đốc cũng đồng loạt từ nhiệm
- Dược Hậu Giang tiếp tục ăn nên làm ra, lãi ròng lần đầu vượt nghìn tỷ 22/01/2024 05:52
- Một quý lãi gần 300 tỷ, Dược Hậu Giang 'ăn nên làm ra' giữa thời khó 16/08/2023 12:06
- Dược Hậu Giang lãi kỷ lục quý đầu năm 2023 21/04/2023 09:10
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.