Tài chính quốc tế

G7: ‘Crimea là của Ukraine, không phải của Nga’

(VNF) - Nhóm G7 ra tuyên bố khẳng định Crimea là của Ukraine và sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo này.

G7: ‘Crimea là của Ukraine, không phải của Nga’

Cây cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở miền nam Nga với Crimea.

“Crimea là của Ukraine. Những nỗ lực của Nga nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập Crimea không và sẽ không được công nhận", nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản) ngày 18/3 ra tuyên bố chung nêu rõ.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tròn 7 năm Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý (18/3/2014-18/3/2021).

Cũng trong tuyên bố, G7 kêu gọi các bên tôn trọng Thỏa thuận Minsk về giải pháp hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Thỏa thuận này bao gồm nội dung về một lệnh ngừng bắn toàn diện, rút các vũ khí hạng nặng khỏi đường tiếp xúc và sửa đổi Hiến pháp Ukraine và bảo đảm "quy chế đặc biệt của một số khu vực ở các vùng Donetsk và Lugansk".

G7 cho rằng Nga là "một bên" trong cuộc xung đột tại đông Ukraine, chứ không phải nước đóng vai trò "trung gian hòa giải".

"Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình, cho phép giám sát quốc tế và trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người đang bị giam giữ một cách bất công", nhóm G7 kêu gọi.

Trước đó, trong thông cáo phát ra ngày 26/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ không bao giờ công nhận Crimea là của Nga và sẽ tiếp tục làm mọi thứ để buộc Nga phải chịu trách nhiệm về "sự gây hấn" ở Ukraine.

Theo Tổng thống Mỹ, 7 năm trước, Nga đã "vi phạm luật pháp quốc tế, các chuẩn mực tương tác của các quốc gia hiện đại, cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng Ukraine" bằng việc sáp nhập Crimea.

Crimea là một bán đảo lớn ở châu Âu, nằm ngay phía nam đất liền của Ukraine và phía tây miền Kuban của Nga.

Crimea đã trở thành một chủ thể hành chính của Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014 khi đại đa số cử tri Crimea đã bỏ phiếu tán thành ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn thành luật Hiệp ước Sáp nhập Crimea, hoàn tất tiến trình hợp nhất vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga.

Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên hợp quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea, trong khi chính quyền Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea là phần lãnh thổ nhưng tạm thời bị chiếm đóng.

Các nước Liên minh châu Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành nhằm vào Nga.

Chính quyền Mỹ cũng đưa ra nhiều lệnh trừng phạt lên các cá nhân và thực thể Nga liên quan tới việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.

Xem thêm >> Mỹ lại đe dọa trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2, ông Putin muốn 'đối chất' với ông Biden

Từ khoá: Crimea, nhóm G7, Ukraine,
Tin mới lên