Tài chính quốc tế

Giấc mộng số 1 thế giới của Trung Quốc ngày càng xa vời

(VNF) - Giấc mơ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc ngày càng trở nên xa vời hơn khi Mỹ vẫn vững vàng ở ngôi đầu.

Giấc mộng số 1 thế giới của Trung Quốc ngày càng xa vời

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Mỹ đã tăng 6,3% (mức chưa điều chỉnh theo lạm phát) trong năm 2023. Con số này vượt xa mức tăng 4,6% của Trung Quốc.

Không chỉ GDP, sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ còn được thể hiện ở thị trường chứng khoán. Trong khi chứng khoán Mỹ chạm mức cao nhất từ trước đến nay trong tuần qua thì chứng khoán Trung Quốc lại đang phải đối mặt với khủng hoảng. Chỉ trong vòng 3 năm, khoảng 6 nghìn tỷ USD vốn hoá đã bị cuốn phăng khỏi các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Những diễn biến này trái ngược hoàn toàn với các dự đoán trước đó. Vào đầu năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Mỹ sắp rơi vào suy thoái kinh tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Trái lại, nền kinh tế Trung Quốc lại được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Bất động sản gãy đổ khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó.

Thế nhưng, câu chuyện của năm 2023 đã quá rõ ràng. Ông Josh Lipsky, cựu cố vấn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhận định khả năng Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP đã lùi xa.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu áp lực bủa vây từ mọi phía. Cuộc khủng hoảng bất động sản – một trong những trụ cột kinh tế Trung Quốc - kéo dài trong nhiều năm qua đã khiến niềm tin của người dân và khu vực tư nhân chạm đáy. Trong khi đó, xuất khẩu cũng suy yếu mạnh trong năm 2023.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc cũng chạm mức cao kỷ lục trong nhiều tháng. Các chính quyền địa phương thì vật lộn với khối nợ khổng lồ. Dòng vốn FDI vào Trung Quốc trong năm 2023 sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Người dân Trung Quốc thắt chặt chi tiêu.

Nền kinh tế trì trệ khiến người dân Trung Quốc thắt chặt chi tiêu. Sức hấp thụ vốn yếu khiến kênh gửi tiết kiệm ngân hàng “lên ngôi” khi xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ qua.

Theo Financial Times, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn trong nửa đầu năm 2024. Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng bất chấp các biện pháp giải cứu từ chính phủ.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán và sự sụt giảm thu nhập đang khiến 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cắt giảm chi tiêu, chuyển sang trạng thái “phòng thủ”. Điều này khiến cho tình hình kinh tế của Trung Quốc luẩn quẩn trong một vòng lặp.

Theo dự báo, tăng trưởng GDP và CPI của Trung Quốc năm 2024 lần lượt đạt 4,6% và 1,2%; ít hơn 0,4% so với mục tiêu tăng trưởng 5% của Trung Quốc.

Tin mới lên