'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Thông tin tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổ chức chiều ngày 28/11, đại diện các ban quản lý dự án cho biết với đoạn Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu xây lắp hiện đang triển khai thi công 2 gói, tiến độ cơ bản đảm bảo. Còn lại, 9 gói thầu đang triển khai công tác đấu thầu, dự kiến tháng 12/2019 sẽ lựa chọn xong nhà thầu cho 5 gói, đầu năm 2021 hoàn thành 4 gói cuối cùng.
Đối với dự án PPP Nha Trang - Cam Lâm, trong thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển có 23 nhà đầu tư mua hồ sơ, đến thời điểm đóng thầu có 9 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự tuyển, nhiều nhất trong 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam. Công tác giải phóng mặt bằng đang bám sát kế hoạch của Bộ GTVT.
Với dự án Mai Sơn - QL45, trong năm 2019 được giao giải ngân 600 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được 30%. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa sẽ giải ngân hết toàn bộ 600 tỷ đồng đã được cấp, đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa hiện có nhu cầu xin thêm 200 tỷ đồng.
Đối với dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, năm 2019, dự án được giao 1.017 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 403 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bình Thuận 365 tỷ đồng và tỉnh Đồng Nai 38 tỷ đồng.
Mặc dù tiến độ các dự án tương đối sát với tiến độ chung nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn yêu cầu tất cả giám đốc các ban quản lý dự án phải trực tiếp xuống hiện trường, nắm chắc tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương.
“Các đồng chí phải xuống hiện trường, cứ báo cáo chung chung thì không thể so sánh được. Tôi yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Tư vấn có góp ý gì, Cục Quản lý xây dựng thẩm tra như thế nào, chỗ nào cần xử lý đất nền, mỏ vật liệu ở đâu, đường công vụ chỗ nào…các đồng chí có nắm được không?”, Bộ trưởng Thể nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT còn liên tục nhắc nhở các ban quản lý dự án về việc phải tập trung sức lực cho dự án trọng điểm quốc gia này, bởi "không có công trình nào hiện nay quan trọng hơn dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông". (Xem thêm)
Trao đổi tại hội nghị an toàn giao thông năm 2019 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 29/11, ông Vũ Hồng Trường cho biết tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được Công ty tư tư vấn ACT của Pháp (tư vấn độc lập) đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
"Theo đánh giá của tư vấn thẩm định của Pháp, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu", ông Trường nói.
Lãnh đạo Metro Hà Nội cũng cho biết việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.
Cũng theo vị này, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ GTVT nghiệm thu sẽ bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác. Trước khi đưa vào khai thác, việc đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành cần được khẳng định.
Được biết, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát. Tuy vậy, lãnh đạo Metro Hà Nội cũng thừa nhận đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vận hành nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế.
"Để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác", Tổng giám đốc Metro Hà Nội nói. (Xem thêm)
Ngày 27/11, người dùng công cụ tìm kiếm Google phản ánh việc Bảng tri thức của Google hiển thị thông tin xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm từ khóa "Quốc lộ 1A" trên Google, phía trái trang kết quả sẽ hiển thị thông tin mà Google gọi là "Bảng tri thức". Bảng này ghi các thông tin về quốc lộ 1A như chiều dài, năm xây dựng, cực Bắc, cực Nam...
Đáng chú ý là mục thông tin về Hệ thống đường cao tốc. Mục này đề cập quốc lộ 1A thuộc "Mạng lưới đường cao tốc quốc gia Trung Quốc". Điều này khiến người dùng hiểu sai về chủ quyền đất liền Việt Nam.
Quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch đi qua 31 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Nó có chiều dài 2.360 km, bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), kết thúc tại Đất Mũi, Cà Mau.
Ở trường hợp này, phần mô tả quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc quốc gia Trung Quốc được Google tự ý thêm vào. Nội dung về quốc lộ 1A trên Wikipedia hoàn toàn không đề cập đến thông tin này. (Xem thêm)
Ngày 25/11, Bộ GTVT phát đi thông báo về việc nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Theo đó, Bộ GTVT nhận định tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng. Đây là tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.
"Vì vậy, tại chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến có chiều dài dự kiến khoảng 380km, đường đôi khổ 1.435mm", thông báo của Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo Bộ GTVT, căn cứ chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt này đã được đưa vào danh mục nghiên cứu làm cơ sở dành quỹ đất, huy động nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai xây dựng, đưa vào khai thác nhằm nâng cao chất lượng vận tải trên hành lang Đông - Tây, góp phần quan trọng trong việc giao lưu quốc tế, phát huy thế mạnh của cảng biển khu vực Hải Phòng.
Bộ GTVT cũng cho biết năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu nhân dân tệ để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tầu khách và tầu hàng.
Vừa qua, Bộ GTVT cũng đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.
Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch, Bộ GTVT sẽ triển khai các thủ tục để tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định. Kết quả nghiên cứu sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt trong giai đoạn đến 2030, định hướng đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
"Với quy mô đầu tư, dự kiến dự án sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư. Vì vậy khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc triển khai sẽ được tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, tham khảo ý kiến nhân dân, chuyên gia, các bộ, ngành, địa phương có liên quan nhất là quy mô, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn trước khi trình cấp có thẩm quyền xem thẩm định, phê duyệt", thông báo của Bộ GTVT nêu rõ. (Xem thêm)
Thông tin từ Ban QLDA 6 thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong vòng một tháng phát hồ sơ mời sơ tuyển, có 14 bộ hồ sơ đã được bán cho các nhà đầu tư quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh).
Các doanh nghiệp này gồm: Công ty Cổ phần TASCO; Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn; Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung; Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam; Tổng công ty Thăng Long; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính; Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Bảo Vân; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Anh Quân; Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1); Công ty TNHH Dũng Hân và Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng DELTA.
Theo quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ thực hiện theo hình thức PPP, áp dụng đấu thầu quốc tế qua hai giai đoạn sơ tuyển và đấu thầu nhà đầu tư.
Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sử dụng phương pháp chấm điểm hồ sơ theo thang điểm 100. Cụ thể, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án 10 điểm.
Sau khi kết thúc thời gian phát hành hồ sơ, Ban QLDA 6 nhận được hồ sơ dự thầu của 3 liên danh nhà đầu tư, gồm: Liên danh Công ty Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Vinaconex2; liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Thạch - Công ty Cổ phần bê tông Hà Thanh - Tổng công ty xây dựng Hoàng Long - Công ty TNHH Tiến Đạt Phát; liên danh Vinaconex - Công ty Tân Nam - Công ty HCJ. (Xem thêm)
UBND TP. Hà Nội cho biết dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 35.679 tỷ đồng. Thời gian thực hiện của dự án chủ yếu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Được biết, về cơ cấu nguồn vốn, UBND TP. Hà Nội kiến nghị sẽ vay vốn ODA khoảng 30.572 tỷ đồng, hơn 5.100 tỷ đồng còn lại sẽ được chi từ ngân sách thành phố.
Việc vay ODA khoảng 30.572 tỷ đồng sẽ đưa mức vay nợ của TP. Hà Nội lên khoảng 66.207,55 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, đây là mức vay được phép, bởi hạn mức vay tối đa năm 2020 đã là 73.281 tỷ đồng. Trong khi, năm 2021, hạn mức vay nợ tối đa của thành phố còn được tăng thêm.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cho rằng trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của JICA để đầu tư thực hiện dự án là phù hợp, do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vay vốn thấp hơn (từ 0,1% - 0,2%/năm) so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương (khoảng 7%-8%/năm).
Do đó, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị HĐND TP xem xét, quyết định đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương từ năm 2020 và các năm tiếp theo. Đồng thời, thông qua nội dung này trong nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2020. (Xem thêm)
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.