Diễn đàn VNF

Góc nhìn: Hoài niệm về một Myanmar rất khác...

(VNF) - Giữa lúc tình hình Myanmar đang căng thẳng, một kỹ sư công nghệ thông tin đã gửi cho tòa soạn VietnamFinance bài viết nay để bày tỏ những cảm xúc của mình. Vì lý do khách quan, tác giả chưa muốn công bố danh tính.

Góc nhìn: Hoài niệm về một Myanmar rất khác...

Người dân biểu tình tại Yangon, Myanmar ngày 17/2/2021

Giữa năm 2014, tôi đến vùng đất Phật Myanmar và từ đấy đã hòa vào xứ sở này ròng rã hơn 6 năm trời. Vùng đất Phật xuất hiện ngày càng dày đặc hơn trong khoảng thời gian 2014 – 2020 trong các bài viết, trang báo của khách du lịch Việt Nam và thế giới với hàng loạt mỹ từ: hiền lành, chất phác, cổ tích, nguyên sơ, gợi hoài niệm về kỷ niệm quá khứ, về một giấc mơ cũ đã xa rời của tầng lớp già và trung niên.

Sự nông cạn, hay sự khoe khoang qua những bức hình lung linh của các du khách làm người khác ngạc nhiên. Cũng dễ hiểu bởi vài ngày du lịch vội vàng qua những thắng cảnh của du khách chỉ để lại một vài dư âm thoáng qua qua những bài viết mạng xã hội, những bức ảnh được chỉnh sửa bằng các ứng dụng hỗ trợ. Tôi cũng vậy, một thời gian dài nhìn Myanmar như một vùng đất Phật hiền lành, nhân từ trong cả những ngôi chùa, làng mạc và cả nhưng vùng biên giới xa xôi.

Năm 2015, những ngộ nhận càng được tô điểm khi chứng kiến cả đất nước mở ngày hội bầu cử dân chủ. Sau đó mọi người dân dường như chìm trong cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi lãnh tụ tinh thần Aung San Suu Kyi cùng đảng của bà thắng lớn.

Chân dung của bà được in khắp các banner, lịch, tranh... và treo ở vị trí trang trọng nhất trong hầu hết các căn nhà. 6 năm dài hòa vào cuộc sống của người dân Myanmar, với hàng nghìn đêm lang thang khắp ngõ ngách Yangon và các thành phố nhỏ, gặp mặt từ trẻ nhỏ, người già, người công an khăn đỏ và cả những người lính lăm lăm súng trên tay ở những khu vực xa thành thị... hầu hết đều thân thiện tốt bụng đến lạ. 

Hình ảnh ngư dân Myanmar đánh cá trên hồ Inle

Trên tàu xe lửa, ô tô buýt, máy bay, ngoài đường phố, cửa hàng, công sở... người dân luôn tôn kính đến khúm núm những vị sư già trẻ có thể làm người ngoài lầm tưởng cư dân Myanmar là những người hiền lành nhất thế giới.

Một nhà sư, bước lên một phương tiện công cộng, ở ta, có lẽ sư sẽ được đối xử như người già và được một trong các thanh niên nhường chỗ vì sự tôn trọng.

Nhưng đây là Myanmar, 1 nửa xe đứng dậy, nửa còn lại có lẽ phải nên cụp mắt xuống tỏ vẻ cung kính. Còn nhà sư, lạnh nhạt ngồi xuống, coi chăng đó là một sự mặc định và tuần tự. 85% dân số theo Phật giáo, cúng dường và tôn kính nhà sư trở thành thói quen và văn hóa. Chư tăng Phật giáo trở thành lực lượng đầy quyền lực.

Myanmar nghèo, những ngôi làng xơ xác nhưng ngôi chùa, nơi sinh hoạt tâm linh và cũng là tài sản, nơi ở của sư sãi luôn là nơi nguy nga nhất. Hàng tuần, hàng tháng, các nhà sư trụ trì già ngồi kiêu hãnh trên bục cao vài mét giảng kinh cho hàng ngàn người ngồi với tư thế quỳ bên dưới vài tiếng.

 Hình ảnh yên bình của Myanmar khi không có biểu tình

Những người mặc áo choàng nhà Phật cũng là người đi đầu trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, gần đây nhất là những cuộc biểu tình của Phật tử chống lại người Rohinya và hồi giáo, thủ lĩnh đi đầu với loa phóng thanh trên tay là các vị sư trụ trì mà vài ngày trước thôi đang hiền từ chầm chậm ban phát nhưng lời giảng.

Rồi tôi bất chợt nhận ra những lời ca tụng bay bổng, những lời hoa mỹ hòa bình, thân thiện chỉ là một vỏ bọc chưa hề khám phá của hầu hết dân du lịch. Ai ai đều nghĩ rằng sự bình yên và hiền hòa qua cái vỏ bọc đấy là vĩnh cửu.

Cuộc nội chiến dài nhất thế giới thuộc về đất nước hình ngọn lửa. Ít ai biết rằng nó đã kéo dài hơn 50 năm, vẫn còn đang tiếp diễn khắp các khu vực biên giới trong khi du khách khách đang trầm trồ ca ngợi trước các thắng cảnh. Cũng ít ai biết được lịch sử của cha ông người dân nơi đây cũng đằng đẵng chiến tranh với 4 lần đại thắng quân Thanh, vài lần tàn sát quân Xiêm La, phá tan kinh đô Ayutthaya của người Thái.

Câu hỏi cho một người bạn trên bàn nhậu: "Sao đến giờ tướng lĩnh quân đội Myanmar ở thế giới hiện đại còn khoái đánh nhau khắp nơi vậy?". Câu trả lời không rõ ràng pha chút đùa cợt: "Mọi thứ đang và luôn thay đổi, nhưng từ thời cha ông chúng tôi đã và vẫn thích đánh nhau". Cuộc nội chiến do những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo âm ỉ trong cả xã hội Myanmar, lâu lâu lại bùng lên thành chiến tranh khắp các vùng biên giới.

Tiếp theo là những cuộc biểu tình của sinh viên năm 2015, một số hình ảnh cho thấy cảnh sát đã vây kín và dùng gậy đánh tới tấp thanh niên biểu tình, gầm giày và báng súng đã được sử dụng. Những khung hình mà cảnh sát và sinh viên, người dân trò chuyện vui vẻ với nhau bỗng biến mất, chuyển mình thành những cảnh bạo lực đầy rẫy trên các trang báo điện tử của cả châu Âu và Á. Những người cảnh sát có vũ trang kia chợt hiện ra hung hãn lạ thường.

Năm 2016, bạo lực bùng phát thên lần nữa, lần này là tại dải đất nhỏ nơi biên giới có tên Rakhine. Những hình ảnh, clip bạo lực lại đầy những trang mạng của cả báo điện tử và mạng xã hội. Nơi biên giới lại đổ máu của rất nhiều người Rohinya, nhưng hầu hết làng mạc, thành phố Myanmar trong nội địa vẫn yên bình. Xung đột thêm kích động khi một số thủ lĩnh Phật giáo cầm đầu các cuộc biểu tình chống lại sắc dân kia.

Các trang báo châu Âu dùng những từ ngữ: diệt chủng, kinh hoàng... cùng các hình ảnh làng mạc thiêu rụi, hàng dài người tị nạn dắt díu nhau bỏ trốn. Vài clip cho thấy những cuộc hành quyết của quân đội với dân Rohinya với cách thức không khác mấy so với trong bộ phim 18+ man rợ mà bối cảnh ở chính quốc gia này - Rambo 4.

Chợt thấy rùng mình, lần này, 2% dân ngoại lai không mang bất kỳ quốc tịch nào đang đau buồn nhưng phần còn lại của đất nước 54 triệu dân lại đoàn kết hơn bao giờ hết, mọi tầng lớp, sắc tộc, đảng phái như thống nhất chỉ với một quan niệm, mục tiêu: những người đó vượt biên trái phép vào đất nước và ko phải con dân của đất nước, do đó họ phải ra đi, hoặc ở lại và bị hành quyết.

Luôn có một cái gì đó ngại ngùng khi đối thoại về chủ đề Rohinya, nếu có, chỉ là một số lời như “Myanmar nghèo như này, sao có thể lo cho đám dân ngoại lai”, “Nhìn gương miền Nam Thái lan đầy rẫy khủng bố kìa”, “Họ đẻ như thỏ, bài học cho Malaysia còn nguyên đấy”, “Bọn chúng gây sự trước, quân đội có làm gì đâu”, “Bọn chúng phải trở về nhà nơi chúng ra đi ấy mà”.. hàng loạt lời biện hộ cho quân đội nước nhà kèm theo sự hả hê trong câu nói được đưa ra.

Những gương mặt hiền lành của người Myanmar tỏ ra thờ ơ hoặc bình thản khi nhắc về cuộc thanh trừng sắc tộc đang diễn ra cách đó vài trăm km. Tự dưng tầng lớp quân đội được cả dân chúng tin yêu kỳ lạ trong thời kỳ này.

Sau đó, lãnh tụ Aung San Suu Kyi, vẫn luôn nền nã trong những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Myanmar, xuất hiện nơi Tòa án Công lý Quốc tế LHQ ở La Haye, Hà Lan, để bảo vệ quân đội, trước các cáo buộc của Châu Âu vì phạm tội diệt chủng đối với người thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Thời gian bà đang trên toà án, màn hình lớn được dựng lên tại cố đô Yangon để người dân hồi hộp theo dõi diễn biến của những lời biện hộ. Hình ảnh của lãnh tụ đáng kính, người đoạt giải Nobel hòa bình vì cả đời tranh đấu cho hòa bình của dân tộc có phần bị hoen ố.

Cả đất nước thật gắn kết bảo vệ những hành động tự vệ chính đáng của quân đội. Và ngày 1/2/2021, cả thế giới choáng váng khi trò chơi vương quyền giữa phe "dân chủ" và phe "độc tài quân sự" lại nổ ra một lần nữa.

Lần này đất nước không còn đoàn kết với quân đội mà hoàn toàn bị "chia rẽ" và có thể dẫn đến nguy cơ nổ ra nội chiến. Cái viễn cảnh mà 50 triệu dân chúng sống dưới chế độ độc tài quân sự làm phần đông sợ hãi. Lời hứa hẹn của Lãnh tụ tinh thần Aung San Suu Kyi sẽ mang về một nền dân chủ học từ phương Tây bất chợt tan vỡ sau một đêm.

Bài học nhãn tiền của thế hệ trung niên đầy kinh nghiệm sống dưới "những cựu tướng lĩnh độc tài cai trị đất nước kiểu tàn bạo, mê tín, ngu muội và đồng bóng" lại hiện về, 10 năm cải cách dân chủ lại trở về vạch xuất phát.

Chỉ sau 1 đêm, những người cảnh sát, quân đội hiền lành bỗng chốc hành xử như trong thời chiến trước những người dân không có vũ khí làm thế giới choáng váng.

Các cuộc hội thoại của anh em Myanmar chợt thấy tội nghiệp hơn bao giờ hết "Hiện tôi thấy tuyệt vọng, thấy tương lai mờ mịt, thấy tức giận", "Thêm một thế hệ con cái chúng tôi lại ít học", "Chúng ta phải đoàn kết, hành động chia sẻ thông tin cho nhau và cho thế giới biết, cho đến ngày đạt được mục đích", "Chúng tôi sẽ không lùi bước cho đến khi yêu cầu được đáp ứng. quân đội sẽ phải lùi bước".

Bạo lực đã lan tràn giữa cảnh sát và dân thường, cảnh máu me khi người biểu tình nhận được trên đường là vòi rồng, lưu đạn choáng, hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật. Những đoạn phim trong đó quân đội dùng gầm giày và báng súng trở nên thường tình, với cả dân thường, sinh viên và cả người mang áo chữ thập đỏ.

Anh em bè bạn Myanmar chia sẻ trong nước mắt: "Ngày Valentine năm nay, các siêu thị đắt hàng nhất không phải hoa hồng và chocolate, mà là gậy kim loại phòng thân, do mấy chục nghìn tù nhân được phóng thích tự do nhờ sự nhân đạo của chính quyền mới".

Hình ảnh hàng vạn thanh niên trên đường phố, những thanh niên mới được tự do 10 năm có Internet gần đây, thấm nhuần trong các bài giảng về nền dân chủ phương Tây có giúp họ bản lĩnh và mạnh mẽ hơn cả súng đạn quân đội?! Những lời ca tụng có cánh về xứ sở cổ tích mà người dân hiền lành, nhân ái, trong sáng... liệu bao nhiêu phần là sự thật?!

Với chúng tôi, luôn là một nỗi tiếc nuối về một Myanmar bình yên, như xúc cảm những ngày đầu. Mong lắm, bình yên, cho xứ sở đẹp đẽ và thú vị này...

Tin mới lên