Tài chính quốc tế

Gói trừng phạt thứ 6 của EU với Nga: Bên trong 'hồ lô' có gì?

(VNF) - Các biện pháp thuộc gói trừng phạt thứ 6 đang được Liên minh châu Âu (EU) nghiên cứu áp đặt cho Moscow sẽ nhắm mục tiêu vào dầu mỏ, ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank cùng các đài truyền hình Nga, các quan chức cấp cao EU cho biết.

Gói trừng phạt thứ 6 của EU với Nga: Bên trong 'hồ lô' có gì?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có bài phát biểu Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp vào ngày 4/5.

Theo Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell: “Cuộc chiến vô cớ của Nga với Ukraine đã làm ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu. Chúng tôi đang nghiên cứu gói trừng phạt thứ 6 nhằm mục đích loại bỏ nhiều ngân hàng khỏi hệ thống SWIFT, liệt kê các “tác nhân” đưa thông tin sai lệch và giải quyết vấn đề nhập khẩu dầu. Các biện pháp này sẽ được trình lên Hội đồng để thông qua”.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất yêu cầu các quốc gia thành viên EU loại bỏ nhập khẩu dầu thô Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay.

“Chúng tôi đảm bảo rằng sẽ loại bỏ dầu của Nga theo một cách có trật tự, phù hợp với khả năng của các quốc gia cũng như các đối tác, giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu”, bà von der Leyen nói.

Mặc dù vậy, các đề xuất phải được nhất trí thông qua mới có hiệu lực và có khả năng trở thành chủ đề tranh luận gay gắt. Bà Von der Leyen cũng thừa nhận rằng việc khiến tất cả 27 quốc gia thành viên, bao gồm một số quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, đồng ý về các lệnh trừng phạt dầu mỏ “sẽ không dễ dàng”.

Được biết, gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga sẽ được đưa ra vào ngày 9/5 tới đây. 

Cấm nhập khẩu dầu

Theo thông tin được tiết lộ, lệnh cấm vận dầu mỏ sẽ được xây dựng theo giai đoạn, cho phép các quốc gia thành viên có thời hạn 6 tháng để ngừng mua dầu thô của Nga và cho đến cuối năm sẽ ngừng mua tất cả các loại sản phẩm dầu tinh luyện.

Lệnh cấm sẽ áp dụng đối với tất cả dầu của Nga được giao dịch qua cảng và đường ống.

Theo bà Ursula von der Leyen, việc cấm vận dầu mỏ sẽ giúp tối đa hoá sức ép lên Nga, giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho EU, nhưng Chủ tịch EC cũng thừa nhận việc này vô cùng khó khăn.

Nguồn cung từ Nga chiếm 25% nhu cầu dầu của EU, phần lớn trong số đó dùng cho xăng và dầu diesel cho các phương tiện giao thông. Các nhà phân tích của S&P Global cho biết, Nga cung cấp khoảng 14% lượng dầu diesel và việc cắt giảm có thể khiến giá nhiên liệu xe tải và máy kéo vốn đã cao lại tăng vọt.

Liên minh châu Âu cũng là khách hàng dầu mỏ hàng đầu của Nga, mua khoảng 3,5 triệu thùng sản phẩm thô và tinh chế mỗi ngày. Năm ngoái, khối này đã chi hơn 73 tỷ EUR cho dầu của Nga, khoản chi lớn nhất cho nhiên liệu hóa thạch với tỷ suất lợi nhuận lớn.

Nếu được thông qua, lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ là gói trừng phạt thứ hai của EU nhắm vào ngành năng lượng béo bở của Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24/2.

Trước mắt, Hungary và Slovakia cho biết sẽ không tham gia vào bất kỳ lệnh trừng phạt dầu mỏ nào. Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết nước này không phản đối các biện pháp trừng phạt nhưng đang yêu cầu một thời gian chuyển tiếp là 3 năm.

Zoltán Kovács, người phát ngôn quốc tế của chính phủ Hungary, cho biết ông không nhận thấy kế hoạch hoặc sự đảm bảo nào cho an ninh năng lượng của đất nước dựa trên các kế hoạch hiện tại.

Tương tự, Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết đất nước của ông sẵn sàng hỗ trợ gói trừng phạt này nhưng cũng cần được cho phép thêm thời gian, khoảng 2-3 năm, trước khi có thể thực hiện lệnh cấm đối với dầu của Nga, nhằm tăng công suất của các đường ống dẫn dầu từ các nguồn khác.

Ý, Hy Lạp và Áo nhấn mạnh cần có đủ thời gian để thích ứng với chuỗi cung ứng năng lượng của họ, trong khi Hy Lạp, Malta, Síp, Bỉ và Hà Lan chỉ ra những thiệt hại kinh tế có thể xảy ra đối với ngành vận tải biển địa phương của họ, Euronews đưa tin.

Đức, nhân tố chính đằng sau quá trình ra quyết định, gần đây đã không còn phản đối lệnh trừng phạt dầu mỏ sau khi tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga từ mức 35% trước khi xảy ra chiến sự xuống còn 12% vào tháng 5.

"Sau 2 tháng làm việc, tôi có thể nói Đức không phản đối lệnh cấm khai thác dầu đối với Nga. Tất nhiên, đó là một gánh nặng, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng", Robert Habeck, Phó thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức, nói với các phóng viên.

Ba Lan cũng kiên quyết áp dụng lệnh cấm vận hoàn toàn đối với cả nhập khẩu dầu và khí đốt, một kịch bản kép rất có thể sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái sâu rộng trên toàn châu lục.

Giờ đây, mọi con mắt hướng về các quốc gia sản xuất dầu khác, bao gồm Iraq, Nigeria, Saudi Arabia, Kazakhstan, Na Uy, Mỹ và Anh, những nước sẽ được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống khổng lồ do Nga để lại.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), tổ chức hợp tác với Moscow, trước đây đã cảnh báo lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sẽ tạo ra sự gián đoạn thị trường tương đương với cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, dẫn đến một giai đoạn lạm phát đình trệ kéo dài và đau đớn ở phương Tây.

Loại Sberbank và 2 ngân hàng khác khỏi SWIFT

Bên cạnh lệnh cấm vận dầu mỏ, Chủ tịch von der Leyen cũng đề xuất loại bỏ Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga và 2 "ngân hàng lớn" khác khỏi SWIFT.

Như vậy, Sberbank sẽ cùng với Ngân hàng VTB, Ngân hàng Otkritie, Novikombank, Promsvyazbank, Rossiya Bank và Sovcombank, cũng như VEB,gân hàng phát triển của Nga, nằm trong danh sách các tổ chức bị chặn khỏi SWIFT, một hệ thống hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới.

Việc cấm các ngân hàng Nga tham gia SWIFT khiến họ khó tiếp cận các thị trường tài chính trên thế giới.

Do đó, sẽ khó khăn hơn nhiều, mặc dù không phải là không thể, đối với các doanh nghiệp và cá nhân Nga có tài khoản tại các ngân hàng bị ảnh hưởng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư ra nước ngoài.

Cấm 3 đài truyền hình nhà nước Nga

Bên cạnh các ngân hàng Nga, bà Von der Leyen nói thêm rằng những đơn vị bị cáo buộc là phát tán thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine sẽ là mục tiêu trừng phạt tiếp theo.

“Chúng tôi đang cấm 3 đài truyền hình nhà nước lớn của Nga phát sóng trên sóng của chúng tôi. Họ sẽ không được phép truyền bá nội dung của họ ở EU, dưới bất kỳ hình thức nào, có thể là trên cáp, qua vệ tinh, trên internet hoặc thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh”, Chủ tịch EC cho biết.

Mặc dù không nêu đích danh 3 đài truyền hình nào, song bà Von der Leyen gọi những kênh truyền hình này là “những cái miệng khuếch đại những lời nói dối và tuyên truyền mạnh mẽ của ông Putin”, cho biết sẽ không tạo sân khấu để truyền bá những lời nói dối này.

Xem thêm >> EU thừa nhận các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả

Tin mới lên