Hà Nội tuần qua: Giao Him Lam lập hồ sơ đề xuất đầu tư cầu Trần Hưng Đạo

Tố Như - 19/09/2021 07:54 (GMT+7)

(VNF) - Giao Him Lam lập hồ sơ đề xuất đầu tư cầu Trần Hưng Đạo; xem xét nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ sau ngày 21/9; tiếp tục kiểm soát giấy đi đường khi chờ chỉ đạo từ thành phố... là những thông tin đáng chú ý của Hà Nội trong tuần qua.

VNF
Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ trên địa bàn thành phố sau ngày 21/9.

Him Lam được chọn lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cầu Trần Hưng Đạo

UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo đó, Công ty Him Lam có trách nhiệm liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban Quảng lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố để được cung cấp thông tin và kết quả thực hiện việc tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Bên cạnh đó, Công ty Him Lam chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Thời hạn hoàn thành công tác lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án là 12 tháng.

Được biết, cầu Trần Hưng Đạo là cây cầu nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên qua sông Hồng, có vị trí nằm giữa 2 cây cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy.

Theo thiết kế, cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài khoảng 5,5km với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Cầu có chiều rộng 31m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 dải đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.

>>>Xem thêm:Him Lam được chọn lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cầu Trần Hưng Đạo

Dịch vụ ăn, uống được kinh doanh tại các địa bàn chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng

Ngày 15/9, UBND thành phố Hà Nội ban hành công văn về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-1.

Theo công văn, từ 12h ngày 16/9, địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận các nhiễm trong cộng đồng từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20 của UBND thành phố Hà Nội, được hoạt động một số cơ sở kinh doanh như văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập.

Cùng với đó là các dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Được biết, Chỉ thị số 20 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành ngày 3/9. Theo chỉ thị này, thành phố được phân theo 3 vùng để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực đề phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao, đồng thời tập trung xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao, bắt đầu từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.

>>>Xem thêm:Hà Nội: Dịch vụ ăn, uống được kinh doanh tại các địa bàn chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng

Xem xét nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ sau ngày 21/9

Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố từ nay đến ngày 21/9 xác định cụ thể các điểm cách ly, phong toả để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ.

Theo Ban Thường vụ Thành ủy, sau ngày 21/9, cần xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng lưu ý việc áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Đồng thời, thường xuyên có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

>>>Xem thêm:Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ sau ngày 21/9

Vẫn kiểm soát giấy đi đường 

Đại diện lãnh đạo một số địa phương trên địa bàn thành phố cho biết, các chốt trực vẫn kiểm soát giấy đi đường của người dân, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong khi chờ chỉ đạo mới của UBND thành phố Hà Nội.

Theo một lãnh đạo quận Thanh Xuân, địa bàn được đánh giá nguy cơ dịch bệnh rất cao trên địa bàn thành phố, hiện quận Thanh Xuân cùng với các quận, huyện được đánh giá vẫn còn nguy cơ dịch bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm theo Công điện 20 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Liên quan đến người ở 19 quận, huyện thuộc trạng thái "bình thường mới" có được vào địa bàn quận không, vị này cho biết, khi thành phố phân 3 vùng phòng chống dịch bệnh, đã có những chốt chặn, những người đủ điều kiện vượt qua các chốt chặn này, đồng nghĩa với việc được vào địa bàn quận Thanh Xuân. Hiện, trên địa bàn quận cũng vẫn duy trì các chốt trực, nếu người nào đủ điều kiện theo quy định vẫn được đi lại.

Đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng cho biết, quận đang tổng hợp tình hình dịch bệnh cụ thể tại các phường, các khu vực trên địa bàn để có báo cáo đề xuất lên thành phố.

"Chúng tôi phải phân loại, có những phường có nguy cơ, nhưng có những phường ở trong trạng thái bình thường mới, sau đó đề xuất lên, thành phố sẽ có giải pháp cụ thể, phù hợp", vị này nói, đồng thời cho biết, trước mắt, toàn quận vẫn thực hiện nghiêm theo Công điện 20 đến 6h sáng ngày 21/9 trong khi chờ các chỉ đạo mới của thành phố.

Đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm được đánh giá "nguy cơ" theo văn bản của thành phố Hà Nội cho biết, việc đi lại, di chuyển trên địa bàn quận vẫn tuân thủ theo quyết định của thành phố Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

"Lãnh đạo quận cũng đã có ý kiến đề xuất việc phân loại nguy cơ theo khu vực nhỏ hơn để có các biện pháp phù hợp", vị này nói, đồng thời cũng cho biết, đang chờ hướng dẫn cụ thể của thành phố.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy - địa bàn được nới lỏng một số hoạt động kinh doanh dịch vụ - cho biết, theo văn bản của thành phố, quận đã cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại.

"Theo chủ trương chung thì vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các vùng xanh, vẫn chốt giữ. Quận đã cho phép mở lại một số loại hình dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, hướng dẫn những loại hình được phép hoạt động phải có kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm quy tắc 5K, những người tham gia kinh doanh dịch vụ phải được tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19", đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy nói.

Theo vị này, trên toàn địa bàn quận vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 20 của Chủ tịch UBND thành phố, các chốt trực của thành phố vẫn đang được kiểm soát, dù có nới lỏng một chút, vì khi mở lại một số loại hình kinh doanh thì người dân được phép sử dụng, ví dụ như đi sửa chữa xe, đồ điện, đi mua đồ dùng học tập.

>>>Xem thêm: Hà Nội vẫn kiểm soát giấy đi đường khi chờ chỉ đạo từ thành phố

Cùng chuyên mục
Tin khác