(VNF) - Hải Phòng di dời 8 nhà máy sản xuất thép, kho tàng trên Quốc lộ 5 thuộc phường Quán Toan (Q. Hồng Bàng), xã An Hồng (H. An Dương) ra khỏi nội đô nhằm phục vụ quy hoạch chỉnh trang đô thị.
Thành phố Hải Phòng vừa giao các cơ quan chức năng hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) với tổng diện tích hơn 50ha ven sông Cấm di dời vào các khu cụm công nghiệp tập trung trong năm 2025 để chỉnh trang, tái thiết đô thị, ưu tiên bổ sung diện tích công viên cây xanh và sân chơi, công trình công cộng, hạ tầng xã hội.
Theo thống kê của UBND quận Hồng Bàng, tại khu vực này có 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép đang quản lý sử dụng khoảng hơn 50ha đất thuộc diện di dời.
Trong đó, phần diện tích thuộc địa phận phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) hơn 36ha, phần diện tích thuộc địa phận xã An Hồng (huyện An Dương) hơn 14,2ha.
Tại khu vực này, ngoài Công ty cổ phần thép Trung Kiên là doanh nghiệp kinh doanh thép, số còn lại đều là doanh nghiệp sản xuất thép.
Trong số các doanh nghiệp được yêu cầu di dời, Công ty TNHH ống thép Việt Nam đang sử dụng hơn 3,3ha đất sản xuất, hạn sử dụng đến hết năm 2033.
Còn Công ty Liên doanh sản xuất thép VinaAusteel (Thép Việt Úc) đang sử dụng hơn 5,5ha đất xây dựng văn phòng làm việc, xưởng sản xuất, kho cán luyện thép, thời hạn đến hết năm 2025.
5 doanh nghiệp còn lại đều đã dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp đã bị thu hồi, có doanh nghiệp đã chuyển nhượng một phần tài sản cho đơn vị khác.
Đáng chú ý, Công ty CP Công nghiệp nặng Cửu Long (Công ty Thép Cửu Long) thuê hơn 19,4ha đất tại xã An Hồng (huyện An Dương) và phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) để xây dựng nhà máy luyện, cán thép, thời hạn sử dụng đến năm 2043.
Tuy nhiên, công ty này đã chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất (rộng hơn 13,8ha) cho Công ty TNHH Inox Nguyễn Minh. Tuy nhiên, Công ty TNHH Inox Nguyễn Minh đang khai thác, sử dụng nhà xưởng, nhà kho gắn liền với đất nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thuê đất theo quy định. Gần 6ha còn lại, Công ty CP Thép Cửu Long vẫn đang khai thác sử dụng nhà xưởng, nhà kho theo hình thức liên danh, liên kết.
Các công ty còn lại là Công ty cổ phần thép cơ khí vật liệu xây dựng góp vốn liên doanh với nước ngoài trong Công ty VSC - POSCO sử dụng 60,093ha đất vào mục đích xây dựng dây chuyền cán thép 350.000 tấn/năm, thời hạn sử dụng đất đến 11/7/2016. Từ 29/4/2022, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định thu hồi đất của doanh nghiệp này, doanh nghiệp đã tháo dỡ, di chuyển tài sản, bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Công ty Sản xuất Thép Úc SSE sử dụng 43,9ha đất vào mục đích xây dựng nhà máy sản xuất kết cấu thép, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2007, thời hạn sử dụng đất đến tháng 8/2027. Tuy nhiên, theo xác định của UBND quận Hồng Bàng thì trên khu đất có các nhà xưởng, kho tàng những doanh nghiệp này đã đóng cửa không hoạt động.
Công ty TNHH phôi thép Úc (doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái SSE) đang quản lý sử dụng khu đất 7,2ha (phía sau khu nhà xưởng của SSE) để xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép, thời hạn sử dụng đất đến tháng 10/2027. Tuy nhiên, kể từ khi giải phóng mặt bằng xong doanh nghiệp này chưa thực hiện dự án.
Công ty cổ phần thương mại thép Hải Phòng - HPS (thép Việt - Nhật) sử dụng 43,3ha đất vào mục đích xây dựng nhà máy cán thép HPS, thời hạn sử dụng đến tháng 12/2032. Tuy nhiên, hiện trạng chỉ có các nhà xưởng, kho tàng, sân bãi chứ doanh nghiệp này đã đóng cửa, không hoạt động tại đây từ nhiều năm.
Trước đó, ngày 22/4, UBND thành phố Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương thông báo tới các doanh nghiệp về việc di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng của các doanh nghiệp thép tại địa phận phường Quán Toán (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) để thực hiện chỉnh trang đô thị. Đồng thời, yêu cầu các địa phương không thực hiện thủ tục gia hạn sử dụng đất đối với các doanh nghiệp tại khu vực này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.