Hai tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc hợp sức khai thác đất hiếm ở Việt Nam
(VNF) - Trident Global Holdings, công ty Hàn Quốc vừa có thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Hưng Hải Group, sẽ hợp tác với công ty Zoetic Global của Mỹ để phát triển và vận hành các mỏ đất hiếm tại Việt Nam.
Ngày 25/7, công ty sở hữu công nghệ khai thác mỏ, bất động sản và thu hồi carbon của Hàn Quốc Trident Global Holdings đã công bố một liên doanh chiến lược lớn mang tính đột phá với công ty Mỹ Zoetic Global.
Sự hợp tác này nhằm mục đích cùng phát triển các mỏ đất hiếm cao cấp, đảm bảo rằng các công ty toàn cầu và Mỹ có thể tiếp cận các nguyên tố quan trọng này. Liên doanh này có tiềm năng tạo ra hàng tỷ USD giá trị kinh tế và triển khai các hoạt động bền vững vào ngành khai thác đất hiếm.
Trong liên doanh này, Trident Global Holdings sẽ hợp tác với Zoetic Global để cung cấp các công nghệ thân thiện với môi trường mới nhất nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất đất hiếm.
Trước đó, Trident Global Holdings ngày 17/7 cũng thông báo về việc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (một doanh nghiệp liên quan đến Hưng Hải Group) về đầu tư vào các mỏ đất hiếm.
Hưng Hải Group là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực khoáng sản cũng như năng lượng tái tạo. Công ty Xây dựng Hưng Hải là đơn vị sở hữu và quản lý 3 mỏ đất hiếm tại tỉnh Lai Châu, bao gồm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe và Đông Pao. Những mỏ này được cho là sở hữu trữ lượng đã xác nhận là 7 triệu tấn các nguyên tố đất hiếm có giá trị.
Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy mô hơn 11,3 triệu tấn, được cho là lớn nhất Việt Nam.
Hợp tác với Zoetic Global, Trident Global Holdings cùng với Hưng Hải Group hướng đến mục tiêu thiết lập chuỗi giá trị toàn diện vượt ra ngoài khai khoáng.
"Việt Nam nắm giữ khoảng 20% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Sự hợp tác này, cùng với Hưng Hải Group, sẽ mở ra giá trị tài chính đáng kể cho Việt Nam, tác động sâu sắc và mang lại lợi ích cho Việt Nam bằng cách giới thiệu các dự án kinh doanh khai thác và công nghệ mới. Quan hệ đối tác này cũng sẽ đảm bảo quản lý bền vững các nguyên tố đất hiếm cho thị trường toàn cầu", ông Sam Chi, CEO của Trident Global Holdings, cho biết.
Theo đó, Zoetic Global và Trident Global Holdings sẽ phát triển và vận hành các mỏ đất hiếm bằng cách sử dụng các giải pháp sáng tạo để khắc phục các luồng chất thải, giúp quá trình này sạch hơn và bền vững hơn. Phương pháp tiếp cận tích hợp và bền vững này sẽ bao gồm tinh chế, nấu chảy, chế biến và phân phối các sản phẩm cuối cùng.
"Một trong những mục tiêu chính của Zoetic là đảm bảo rằng các ngành công nghiệp Mỹ có quyền tiếp cận bình đẳng với các yếu tố quan trọng cần thiết cho sự cạnh tranh toàn cầu", ông Tim Ryan , cựu Nghị sĩ Ohio và Giám đốc Phát triển Kinh doanh Toàn cầu của Zoetic Global cho biết.
"Chúng tôi lấy cảm hứng từ Đạo luật CHIPS, đạo luật này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo đảm và củng cố chuỗi cung ứng của chúng tôi. Những gián đoạn do đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc đảm bảo tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng. Bằng cách đưa các công nghệ và vật liệu quan trọng về trong nước và tái đưa về trong nước, chúng tôi có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nước ngoài", ông Avery Hong, Tổng giám đốc điều hành Zoetic Global cho biết".
Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu). Đây là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn.
Theo Viện Khoa học Vật liệu, đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến từ tinh quặng đất hiếm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (hàm lượng tổng oxit đất hiếm phải đạt tối thiểu 95%). Mặc dù đã có nghiên cứu từ rất sớm về công nghệ phân chia riêng rẽ oxit đất hiếm và làm sạch đến độ sạch cao, nhưng phần lớn mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế.
Chaebol Hàn Quốc muốn khai thác đất hiếm, xây đô thị thông minh ở Việt Nam
- ‘Màn hình xanh chết chóc’ khiến các công ty Fortune 500 thiệt hại 5,4 tỷ USD 25/07/2024 03:28
- Ngành hàng không cần thêm 2,4 triệu nhân sự 24/07/2024 11:27
- TT Biden bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và ‘tương lai bất định’ của Ukraine 26/07/2024 07:00
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.