Hàng chục tỷ cổ phiếu đổ ra thị trường: Đo sức hấp thụ và rủi ro pha loãng, giảm giá
(VNF) - Với loạt kế hoạch tăng vốn "khủng", hàng chục tỷ cổ phiếu mới được phát hành thêm sẽ đổ bộ thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024-2025 làm dấy lên sự lo ngại về rủi ro pha loãng, giảm giá cổ phiếu cũng như khả năng hấp thụ của thị trường chứng khoán.
Hàng tỷ cổ phiếu sắp đổ bộ
Từ cuối năm 2023 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp trên sàn đã công bố các kế hoạch phát hành cổ phiếu với số lượng “khủng”. Đặc biệt sau mùa ĐHĐCĐ thường niên, các tờ trình cổ đông không thiếu các phương án tăng vốn dưới nhiều hình thức phát hành như chào bán riêng lẻ, trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Ở lĩnh vực tài chính, cuộc đua tăng vốn của công ty chứng khoán nóng hơn bao giờ hết chuẩn bị nguồn lực đón sóng nâng hạng thị trường với nhiều triển vọng gia tăng về quy mô giao dịch cũng như cơ sở nhà đầu tư. Kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhất phải kể đến Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) với 4 phương án phát hành, số lượng tổng cộng gần 900 triệu cổ phiếu.
Các “ông lớn” trong ngành như Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cũng dự kiến phát hành 453,3 triệu cổ phiếu mới, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (HoSE: VND) dự kiến phát hành hơn 304 triệu cổ phiếu mới. Ngoài ra, có thể liệt kê thêm hàng chục công ty chứng khoán tầm trung khác đang tham gia vào đường đua tăng vốn này thông qua việc phát hành cổ phiếu.
Ở lĩnh vực ngân hàng, 2 nhà băng có số lượng phát hành “khủng” nhất toàn thị trường là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BID) với số lượng lần lượt là 3,5 tỷ và 1,197 tỷ cổ phiếu. Ngoài ra, gần 20 nhà băng khác cũng có kế hoạch phát hành thêm hàng chục, hàng trăm triệu cổ phiếu mới ra thị trường chứng khoán.
Ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, Công ty Cổ phần Tập đoàn Novaland (HoSE: NVL) mới đây đã chốt xong phương án chào bán gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) lên 4 phương án phát hành với tổng số lượng hơn 410 triệu cổ phiếu. Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) muốn phát hành 274 triệu cổ phiếu, Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) muốn phát hành 232,2 triệu cổ phiếu,…
Ở lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) muốn phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) muốn phát hành hơn 140 triệu cổ phiếu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) cũng dự kiến phát khoảng 100 triệu cổ phiếu ra thị trường.
Rủi ro pha loãng và khả năng hấp thụ của thị trường
Với loạt kế hoạch phát hành mới, ước tính hàng chục tỷ cổ phiếu đến từ hàng chục doanh nghiệp dự kiến đổ bộ lên sàn chứng khoán trong giai đoạn 2024-2025. Với số lượng lớn cổ phiếu như vậy cập bến thị trường, nhiều nhà đầu tư lo ngại về rủi ro pha loãng cũng như khả năng hấp thụ của thị trường chứng khoán.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO Công ty Cổ phần VICK với VietnamFinance, để đánh giá về các rủi ro này khi doanh nghiệp ồ ạt phát hành cổ phiếu, việc đầu tiên phải xác định được bức tranh tổng thể của thị trường chứng khoán.
Ở thời điểm hiện tại, 3 yếu tố cốt lõi là vĩ mô, định giá và dòng tiền đều đang ủng hộ và xây dựng nên 1 bức tranh tương đối tốt cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Ông Nguyễn Hồng Điệp đánh giá tổng thể bức tranh của thị trường chứng khoán giai đoạn 2024-2025 là rất sáng.
“Số lượng nhà đầu tư chứng khoán đang tăng lên và chưa đạt đến mức giới hạn khi mới chỉ chiếm 3% dân số. Nếu thị trường trong giai đoạn 2024-2025 có những thông tin mới như nâng hạng thị trường thì số lượng nhà đầu tư mới có thể tiếp tục tăng, dòng tiền mới chảy vào chứng khoán cũng tăng lên theo đó. Bức tranh mới này sẽ đòi hỏi cán cân cân bằng lại với số lượng cổ phiếu trên sàn. Do đó việc tăng vốn của 1 loạt doanh nghiệp chưa chắc đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho hay.
Ở khía cạnh thứ 2, vị chuyên gia này cho rằng cần xác định phương án sử dụng phần vốn huy động được của doanh nghiệp dùng để trả nợ vay hay để tăng cường đầu tư, sản xuất mới. Khi dòng tiền chảy vào doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh, việc tăng vốn sẽ mang giá trị dài lâu, dòng tiền sẽ chảy vào nền kinh tế. Mặt khác, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, huy động vốn để hoán đổi nợ, trả nợ, câu chuyện tăng vốn sẽ không mang tính chất dòng tiền.
“Các doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng vốn nhiều nhất trên thị trường chủ yếu nằm ở khối tài chính ngân hàng như các công ty chứng khoán, các nhà băng. Điều này là hợp lý vì khi quy mô vốn hoá của thị trường tăng lên, nhu cầu giao dịch trên thị trường của nhà đầu tư tăng lên thì việc đáp ứng được quy mô của thị trường chứng khoán đòi hỏi các đơn vị như ngân hàng, công ty chứng khoán phải có vốn tương đối tốt để đảm bảo an toàn hoạt động”, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho biết.
Theo đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần VICK cho rằng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024 ở mức 18-22%, việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ tương ứng ở mức 20% không ảnh hưởng đến các chỉ số EPS.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh về các hình thức tăng vốn danh nghĩa như chia cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Vị chuyên gia này đánh giá hình thức tăng vốn này chỉ giúp doanh nghiệp hưởng lợi về mặt hình ảnh, tăng quy mô vốn điều lệ chứ không có dòng vốn mới vào.
Khi nào nên lo ngại về rủi ro pha loãng cổ phiếu?
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng nhà đầu tư chỉ nên lo ngại về rủi ro pha loãng cổ phiếu khi những đợt phát hành của doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh thị trường có những yếu tố vĩ mô được đánh giá là mang lại rủi ro trong ngắn hạn. Thị trường chứng khoán thiếu đi yếu tố hỗ trợ tốt, trong khi lượng cung hàng lại tăng lên đột ngột có thể dẫn tới rủi ro giảm giá cổ phiếu cũng như rủi ro dòng tiền trên thị trường không đủ hấp thụ khối lượng mới.
Rủi ro giảm giá trong ngắn hạn
Khi một lượng hàng lớn đổ bộ lên sàn chứng khoán, việc giá cổ phiếu phản ứng trong ngắn hạn được đánh giá là câu chuyện đơn giản theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có sự ảnh hưởng ít, nhiều khác nhau. Tuy nhiên nhà đầu tư không nên quá e dè và lo sợ về lượng cung hàng lớn của cổ phiếu vì bản chất chứng khoán là câu chuyện về giá trị. Nếu giá trị doanh nghiệp tốt, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ mang lại tương lai tốt, giá cổ phiếu trong dài hạn sẽ tăng trở lại và việc điều chỉnh trong ngắn hạn không phải điều nên hoảng sợ”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho hay.
Lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp cũng như ngân hàng trong các phiên họp thường niên mới đây cũng trấn an cổ đông về các rủi ro giảm giá cổ phiếu khi phát hành thêm một lượng hàng mới ra thị trường.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn giúp góp phần đem lại giá trị cho ngân hàng, phát triển mạng lưới đầu tư kinh doanh, từ đó giá trị cổ phiếu lại được nâng lên. Theo ông, phải ưu tiên nâng cao năng lực của ngân hàng, nội tại sức khoẻ của ngân hàng sẽ quyết định giá trị của cổ phiếu.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết việc phát hành cổ phiếu của ngân hàng có thể ảnh hưởng một phần tới giá cổ phiếu nhưng sẽ tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư mua vào cổ phiếu TCB với mức giá phù hợp. Giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại nếu ngân hàng phát triển tốt.
Ban lãnh đạo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng cổ đông không cần lo lắng về việc cổ phiếu bị pha loãng khi doanh nghiệp này tiến hành phát hành tăng vốn, Theo đó, việc tăng vốn sẽ đem lại hiệu quả tốt cho TPS để tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn 2024-2025 khi mà thị trường chứng khoán có những tín hiệu phát triển rất tốt.
Đằng sau cuộc đua tăng vốn mới giữa các công ty chứng khoán
- ĐHĐCĐ VFS: Đồng thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng 20/04/2024 02:03
- Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức 'khủng', tăng vốn điều lệ gấp đôi 20/04/2024 01:28
- ĐHĐCĐ 2024: SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng 19/04/2024 02:10
Đất vàng Tây Hồ Tây từng thuộc Tân Hoàng Minh biến động: Dự án mới, chủ mới?
(VNF) - Lô đất từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Minh Tảo, quận Bắc Từ Liêm mới đây đã có những chuyển động mới. Nhiều người quan tâm liệu có phải chủ mới đã tiếp quản và làm dự án mới.