Huawei sắp tung chip AI mới thách thức Nvidia
(VNF) - Hãng tin Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho hay “ông lớn” công nghệ Trung Quốc Huawei sắp giới thiệu một loại chip mới sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cạnh tranh với Nvidia tại thị trường đại lục trong bối cảnh chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cạnh tranh với Nvidia bằng chip AI mới
Theo Wall Street Journal, bộ vi xử lý mới nhất của Huawei có tên Ascend 910C đang được các công ty viễn thông và internet Trung Quốc thử nghiệm trong những tuần gần đây.
Các nguồn thạo tin cho hay Huawei đã nói với các khách hàng tiềm năng rằng chip mới này tương đương với chip H100 của Nvidia, được ra mắt vào năm ngoái và không có sẵn trực tiếp tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, bài báo lưu ý rằng Huawei đang phải đối mặt với sự chậm trễ trong sản xuất chip hiện tại. Công ty có khả năng sẽ phải chịu thêm nhiều lệnh hạn chế của Mỹ, điều này có thể khiến công ty không thể mua được các bộ phận máy móc và chip nhớ mới nhất được sử dụng trong phần cứng AI.
Các công ty Trung Quốc bao gồm chủ sở hữu TikTok là ByteDance, Baidu và nhà mạng viễn thông nhà nước China Mobile đang trong giai đoạn đàm phán ban đầu để sở hữu 910C.
Năm ngoái, các cơ quan quản lý Mỹ đã đưa ra các quy định ngăn chặn Nvidia bán chip tiên tiến của mình, bao gồm cả H100, cho khách hàng Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Sau đó, Nvidia giới thiệu ba con chip được thiết kế riêng cho Trung Quốc, bao gồm cả chip H20. Tuy nhiên, theo lệnh trừng phạt của Mỹ, sức mạnh tính toán của H20 đã bị giới hạn đáng kể so với chip H100.
Nếu Ascend 910C có thể bắt kịp H100, Huawei sẽ có lợi thế khá lớn về sức mạnh đồ họa thô. Nếu kết hợp với nhiều chip HBM nhanh, nó cũng có thể là lựa chọn mạnh mẽ cho AI.
Huawei dự định bắt đầu giao hàng sớm nhất là vào tháng 10. Tuy nhiên, các nguồn tin lưu ý rằng các giao dịch mua cuối cùng có thể khác so với kế hoạch ban đầu và lịch trình giao hàng có thể thay đổi.
Theo báo cáo, các cuộc đàm phán ban đầu giữa Huawei và các khách hàng tiềm năng cho thấy đơn đặt hàng có thể vượt quá 70.000 con chip, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD.
Tại một hội nghị về ngành công nghiệp bán dẫn vào tháng 6, một nhà lãnh đạo cấp cao của Huawei đã lưu ý rằng khoảng một nửa các mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc đã được đào tạo bằng chip của Huawei. Ông cho biết hiệu suất của 910B đã vượt qua A100 của Nvidia trong các mô hình đào tạo.
Năm ngoái, Baidu được cho là đã đặt hàng 1.600 chip AI Ascend 910B của Huawei, được phát triển để thay thế cho chip A100 của Nvidia, cho 200 máy chủ.
11 nước EU áp đặt hạn chế với Huawei
Chia sẻ với Euronews, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) cho hay có 11 quốc gia đã sử dụng quyền hạn pháp lý để áp đặt các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được coi là có rủi ro cao, như Huawei và ZTE, đối với cơ sở hạ tầng mạng 5G.
Ủy ban cho biết đã có một quốc gia mới gia nhập danh sách kể từ tháng 2 năm ngoái và hiện có thêm một số quốc gia khác đang trong quá trình gia nhập.
Động thái này diễn ra sau khi EC thông qua cái gọi là “hộp công cụ”’ an ninh mạng 5G vào năm 2020 để bảo vệ mạng 5G khỏi các mối đe dọa và rủi ro mạng.
Các quốc gia thành viên EU đã đồng ý áp dụng các hạn chế đối với các nhà cung cấp được coi là có rủi ro cao, bao gồm cả các trường hợp loại trừ cần thiết, sau những lo ngại về an ninh.
Bên cạnh lệnh cấm, hầu hết các nước EU đã đưa ra các quy tắc để hạn chế các nhà cung cấp. Trong đó, 21 nước đã thông qua các quy tắc và ba nước đang chờ ban hành luật. Điều này cho phép các cơ quan chức năng quốc gia hạn chế hoặc ngăn chặn các nhà cung cấp được coi là có rủi ro cao đối với mạng 5G khi thấy cần thiết.
Năm 2018, Huawei và đối thủ cạnh tranh ZTE đã phải chịu sự ngờ vực trên toàn cầu khi chính phủ Nhật Bản, Mỹ và EU loại các nhà sản xuất này khỏi các cuộc đấu thầu công khai và triển khai mạng viễn thông, vì cáo buộc gián điệp và lo ngại về mối liên hệ với nhà nước Trung Quốc.
Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên cấm các nhà mạng sử dụng thiết bị Huawei. Chính phủ cũng ra lệnh cho Huawei phải gỡ bỏ các thiết bị đã được lắp đặt trước ngày 1/1/2025. Huawei đã kháng cáo vụ kiện, nhưng một tòa án Thụy Điển đã giữ nguyên quyết định của Cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS).
Huawei luôn phủ nhận những cáo buộc này, tuyên bố rằng họ là một công ty độc lập. "Chính phủ Trung Quốc không can thiệp vào hoạt động kinh doanh hoặc tính bảo mật của các sản phẩm của chúng tôi. Và nếu có bất kỳ nỗ lực nào nhằm ép buộc chúng tôi từ bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào, chúng tôi sẽ từ chối thẳng thừng", công ty đã nhiều lần tuyên bố .
Bất chấp những lo ngại của Ủy ban, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Ý và Đức vẫn đang hợp tác với Huawei.
Đức mềm mỏng với Trung Quốc, trì hoãn lệnh cấm Huawei đến năm 2029
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
- Đầu tư thời AI: Cố vấn tài chính ‘phi con người’ quản lý 20 tỷ USD tài sản 01/08/2024 11:07
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.