Khách hàng 'vây' trụ sở đòi gần 250 tỷ đã mua đất 'dự án ma' ở Hà Nội

Lê Quân - 11/08/2019 08:49 (GMT+7)

Hàng chục khách hàng mua đất tại dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đến "vây" trụ sở Công ty Hưng Hải, căng băng rôn đòi gần 250 tỷ đồng đã bỏ ra mua đất tại “dự án ma” này.

VNF
Hàng chục khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Hưng Hải để đòi tiền đã bỏ ra mua đất tại dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh Lê Quân

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 10/8, hàng chục khách hàng bị lừa bỏ tiền tỷ mua đất tại “dự án ma” Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc ở xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tập trung tại trụ sở Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (Công ty Hưng Hải) tại tòa nhà Thanh Bình trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi số tiền 248,7 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tuấn (54 tuổi, một trong số khách hàng mua đất tại “dự án ma” Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc) cho biết, từ năm 2010 đến 2011, có 148 khách hàng đã bỏ hàng tỉ đồng mua đất tại dự án này nhưng đến nay chưa được trả đất. Khu vực làm dự án vẫn là ruộng trồng rau. Trong khi đó, số tiền 248,7 tỉ đồng của 148 khách hàng vẫn đang bị Công ty Hưng Hải chiếm giữ không trả. Vụ việc lừa đảo đã được đưa ra xét xử, người phạm tội lừa đảo đã bị xử phạt tù nhưng tiền khách hàng bỏ ra mua đất tại dự án vẫn bị chiếm đoạt.

Cụ thể, nhiều khách hàng bị lừa mua đất tại "dự án ma" cho biết, ngày 14/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở cao cấp Viet-inc tại xã Vân Canh (huyện Hoàn Đức, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) do Công ty CP Tài chính và Bất động sản Việt (Công ty bất động sản Việt) cùng với Công ty CP ô tô xe máy Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 103.330 m2, dân số dự kiến khoảng 2.600 người.

Đến nay, dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc đã bị TP. Hà Nội thu hồi do không triển khai được, nhiều khách hàng đứng trước nguy cơ mất trắng tiền tỷ. Ảnh Lê Quân

Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, dự án thuộc nhóm phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch, khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu.

Dự án khu nhà ở Viet-Inc được xác định là dự án trên giấy, chưa có phê duyệt của cơ quan chức năng, chưa giải phóng mặt bằng nhưng ngày 2/7/2009, Công ty bất động sản Việt ký “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Công ty Hưng Hải về việc hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc với điều khoản Công ty Hưng Hải sở hữu 90% quyền thực hiện dự án với giá gần 57,6 tỷ đồng. Ngay sau đó, công ty Hưng Hải tiếp tục mang bán dự án cho Công ty Thương mại và dịch vụ TST (Công ty TST) với giá 295 tỷ đồng. Công ty TST đã làm giả bản đồ quy hoạch, lừa bán cho hàng trăm khách hàng.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra xác định, số tiền Công ty TST huy động vốn trái phép của khách hàng là 265,2 tỷ đồng. Công ty TST đã chuyển 248,7 tỷ đồng cho Công ty Hưng Hải trong tổng số 295 tỷ đồng tiền phải trả khi mua dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc. Đến nay, dự án đã bị cơ quan chức năng thu hồi nhưng Công ty Hưng Hải vẫn chiếm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng không trả.

“Bản án sơ thẩm do TAND TP. Hà Nội tuyên vào tháng 3/2019 cũng thể hiện từ ngày 3/12/2010 - 26/9/2011, Công ty TST đã chuyển cho Công ty Hưng Hải số tiền 248,7 tỷ đồng và Công ty Hưng Hải đã xuất 34 phiếu thu cho Công ty TST, nhưng đến nay họ nhất định không trả lại cho hàng trăm khách hàng là chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Mai, 61 tuổi, khách hàng cho biết.

Cũng theo bà Mai, trước đó phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc đã đưa ra xét xử, tuyên án với mức hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Phạm Mạnh Cường (67 tuổi) nguyên Giám đốc Công ty TST, và 20 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Thương (55 tuổi). Ngoài mức hình phạt trên, HĐXX cũng tuyên buộc Công ty TST phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho các khách hàng.

“Nhưng số tiền huy động từ khách hàng Công ty TST đã chuyển cho Công ty Hưng Hải. Tại cáo trạng của vụ án lừa đảo này, cơ quan công an cũng đã ra quyết định tạm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng của Công ty Hưng Hải là tiền nhận của Công ty TST trong việc chuyển nhượng dự án Viet-Inc. Dù vậy, đến nay Công ty Hưng Hải vẫn chiếm giữ”, bà Mai vừa giơ tập tài liệu liên quan đến vụ án vừa nói trong nước mắt vì xót của.

Trước nguy cơ mất trắng hàng tỉ đồng khi bỏ ra mua đất tại "dự án ma", nhiều người đã tập trung làm đơn tố cáo Công ty Hưng Hải lừa đảo gửi đi nhiều nơi. Ảnh: Lê Quân

Nhiều người đến trụ sở Công ty Hưng Hải cũng cho biết, dù đơn vị này đã nhận 248,7 tỷ đồng do Công ty TST huy động trái phép của khách hàng mới có để chuyển sang, nhưng khi đến tòa án, Công ty Hưng Hải được mời đến dự với vai trò người làm chứng, không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc này đã khiến các bị hại bức xúc, nghi ngờ phiên tòa thiếu minh bạch, khách quan.

Luật sư Đào Thị Liên, Công ty Luật Tiền Phong, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, C quan CSĐT Công an TP.Hà Nội và Viện kiểm sát đã có những văn bản tố tụng khẳng định số tiền 248,7 tỷ đồng mà Công ty TST thu được của khách hàng đã được chuyển đến Công ty Hưng Hải thông qua 34 phiếu chi tiền mặt cho bà Nguyễn Thị Minh Thương (nhân viên công ty TST) để nộp trực tiếp cho Công ty Hưng Hải. Các cơ quan tố tụng khẳng định, số tiền này Công ty TST đã thu của 148 bị hại và số tiền này do lừa đảo mà có được, chính là tang vật của vụ án này.

Theo bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015, những tang vật vụ án là tiền thuộc về các bị hại thì phải trả lại cho bị hại. Có nghĩa là, Công ty Hưng Hải phải trả tiền các bị hại. “Số tiền Công ty Hưng Hải đang giữ là số tiền lớn. Tôi cho rằng, nếu làm đúng, các cơ quan tố tụng phải ra các biện pháp tư pháp như tịch thu, phong tỏa, kê biên số tiền của Công ty Hưng Hải đang chiếm giữ thì mới kịp thời đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Việc chậm đưa ra các biện pháp tư pháp sẽ gây thiệt hại lớn cho các bị hại”, luật sư Đào Thị Liên nói.

Trước sự việc trên, phóng viên Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Công ty Hưng Hải để làm rõ  việc khách hàng bỏ tiền mua "dự án ma" Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc đến đòi tiền nhưng phía công ty không có phản hồi thông tin.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác