(VNF) - Ngày 3/2/2010, cao tốc TP. HCM - Trung Lương - tuyến đường cao tốc đầu tiên Việt Nam chính thức được đưa vào khai thác trong niềm hân hoan của người dân Tây Nam Bộ. Quãng đường từ TP. HCM đến Tiền Giang từ thời điểm đó chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 90 phút chạy trên Quốc lộ 1 như trước đây.
Thời gian chính là “món hời” đầu tiên và dễ nhìn thấy nhất từ việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc. Cũng từ đây, phát triển đường cao tốc trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhiệm kỳ Chính phủ. Dẫu vậy, khát vọng “phủ sóng” cao tốc từ đó đến nay vẫn như một bài toán khó giải.
Từ dò dẫm
Vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, mạng lưới giao thông đường bộ Việt Nam trong tình trạng “vá chằng vá đụp”. Quốc lộ 1A đã xuống cấp, được ví như chiếc “áo cũ” đã quá chật, không đáp ứng được nhu cầu giao thông, vận tải với các phương tiện cơ giới ngày càng tăng. Hồi đó đi từ Hà Nội về Hà Nam phải mất vài ba tiếng, đường thường xuyên ùn tắc.
Điển hình của sự ùn tắc ấy diễn ra vào giữa năm 1998, đoàn công tác của một lãnh đạo cấp cao đang từ Thanh Hóa về Hà Nội thì bị kẹt xe tại quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Thường Tín (khi đó thuộc Hà Tây). Tình trạng ùn tắc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thời điểm đó là ông Lê Ngọc Hoàn và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm khi ấy đã phải đến ngay hiện trường để phối hợp xử lý. Sau gần 5 tiếng đồng hồ, điểm ùn tắc mới được khai thông.
Sự cố này là một trong những lý do khiến lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quyết định chuyển toàn bộ vốn dư ODA từ việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A để khởi công tuyến “tiền” cao tốc đầu tiên trên cả nước vào tháng 9/1998 với hơn 30km đường 4 làn từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ. Hơn 2 năm sau, dự án hoàn thành, nỗi ám ảnh về ùn tắc ở cửa ngõ Thủ đô đã được giải quyết.
3 năm sau, viễn cảnh ùn tắc tại Hà Nội lặp lại tại TP. HCM. Lúc đó, các phương tiện đi lại từ TP. HCM về đồng bằng sông Cửu Long khó khăn, thường xuyên kẹt xe trên Quốc lộ 1, cửa ngõ phía tây TP. HCM. Để giải quyết tình trạng này, tháng 12/2004, tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước là TP. HCM - Trung Lương được khởi công. Tuyến đường dài 61km chỉ dành cho ô tô, vận tốc 120 km/h, kinh phí 9.880 tỷ đồng bằng vốn vay ODA. Đây là mức đầu tư cao kỷ lục thời đó do có hơn 20km đi trên cầu cạn.
Sau 6 năm, tuyến đường cao tốc này chính thức hoàn thành. Quãng đường từ TP. HCM đến Tiền Giang từ thời điểm này chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì 90 phút chạy trên Quốc lộ 1 như trước đây. Tình trạng ùn tắc trên quốc lộ 1 đoạn qua Long An cũng giảm hẳn.
2 năm sau, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được khởi công bằng vốn vay ODA, nối với đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giúp phương tiện đi lại thuận lợi ở cửa ngõ phía nam Hà Nội. Hai tuyến đường cao tốc ở 2 đầu đất nước đã chứng minh hiệu quả kinh tế to lớn và từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trên cả nước. Năm 2008, Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 2.000km cao tốc.
Dẫu vậy, sau 20 năm, đến nay Việt Nam mới xây dựng được 1.163km cao tốc. Ngoài ra, còn 916 km đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023. Trong báo cáo gửi Chính phủ, chính Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận thấy tốc độ xây dựng cao tốc ở Việt Nam chỉ đạt bình quân 74km mỗi năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển đường cao tốc của Trung Quốc.
Đến mục tiêu cao tốc xuyên Việt
Có hệ thống đường cao tốc trải dài khắp cả nước là ước mơ của bất cứ quốc gia nào muốn phát triển, muốn hiện đại hóa bởi tính chất ưu việt của nó trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền. Tại Việt Nam, phát triển cơ sở hạ tầng được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong 20 năm qua, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả nước mới hoàn thành được hơn 1.100km – con số quá khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Đó cũng là lý do mà trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2023, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 916km cao tốc đang đầu tư, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km và năm 2030 là 5.000km. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ đầu tư hoàn thành thêm hàng loạt các tuyến đường bộ cao tốc trên khắp cả nước.
Dễ thấy, mục tiêu trong 5 năm xây thêm 2.000km để có được 3.000km cao tốc vào năm 2025 là rất cao, là bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 gấp gần 4 lần giai đoạn 2015 - 2020 (1.932/487km). Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thực hiện đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cũng gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 (339.000 tỷ đồng/89.000 tỷ đồng).
Đánh giá về mục tiêu này, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội cho rằng những con số này quả thật là rất lớn so với những gì chúng ta đã làm được trong những năm qua. Chính vì vậy, cần phải có những nỗ lực gấp nhiều lần thì mục tiêu này mới trở thành hiện thực. Dù vậy, với sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành mà trọng điểm là Bộ Giao thông Vận tải, ông Lộc tin rằng mục tiêu này có cơ sở để trở thành hiện thực.
Cũng theo TS. Vũ Tiến Lộc, quá trình thực hiện mục tiêu 5.000km cao tốc, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần có thêm giải pháp đột phá trong phân cấp, phân quyền; thủ tục đầu tư; giải phóng mặt bằng; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách. Ở thời điểm hiện tại, ông cho rằng cần phải huy động toàn hệ thống xã hội tham gia vào những dự án đường bộ cao tốc. Để làm được điều này, cần có những chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia theo hình thức PPP, BOT. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác - công tư (PPP) ra đời chính là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc huy động vốn toàn xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những công trình giao thông trong thời gian tới.
Trên thực tế, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km cao tốc, Quốc hội, Chính phủ đã có những hành động cụ thể như việc phân bổ 339.000 tỷ đồng, đủ điều kiện để triển khai dứt điểm các công trình trong giai đoạn tới đây. Hay như các chính sách đặc thù cho các dự án cao tốc cũng đã được ban hành, mở hành lang pháp lý thông thoáng để rút ngắn thời gian triển khai. Nhờ đó, thủ tục đầu tư sẽ rút ngắn từ 1 - 2 năm, trước đây triển khai 2 - 3 năm thì tới đây chỉ triển khai trong 1 năm. Ngoài ra, việc ban hành 2 nghị quyết đặc thù (Nghị quyết 133, Nghị quyết 66) để giải quyết bài toán thiếu vật liệu đắp nền cũng thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ. Khát vọng phủ sóng cao tốc hoàn toàn có cơ sở để trở thành hiện thực, một hiện thực rất gần.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.