Khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 10.000 tỷ đồng
Chí Bình -
28/05/2023 19:28 (GMT+7)
(VNF) - Tại lễ khởi công, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng, không tăng tổng mức đầu tư, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
Chiều 28/5 đã diễn ra lễ khởi công xây dựng dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1). Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 104,5km, trong đó 77km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5km thuộc tỉnh Hà Giang. Điểm đầu dự án tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); điểm cuối tại xã Tân Quang (Bắc Quang).
Quy mô giai đoạn 1 của dự án gồm 2 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/giờ (giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ mở rộng lên 4 làn xe). Bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phạm vi xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang hoàn chỉnh với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25,25m theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng diện tích sử dụng đất 902ha (trong đó, Hà Giang 312ha, Tuyên Quang 590ha).
Tổng mức đầu tư của dự án là 9.998 tỷ đồng; trong đó, đoạn qua tỉnh Hà Giang 3.198 tỷ đồng, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang 6.800 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Giang và Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm người dân nhường đất cho dự án có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn ở nơi cũ.
Thủ tướng lưu ý các địa phương bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, theo nguyên tắc giao trực tiếp các mỏ đất đá cho nhà thầu, không giao qua trung gian tư nhân, tránh việc găm hàng, nâng giá, đội giá, dẫn đến tiêu cực.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng; không tăng tổng mức đầu tư; không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…
"Các nhà thầu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, tiết kiệm chi phí, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thi công nhanh, thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đấu thầu", Thủ tướng nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone