Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Được UBND TP. HCM phê duyệt từ năm 1992, có tổng diện tích hơn 426 ha, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Kể từ khi được phê duyệt đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng; dự tính quy hoạch khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trở thành một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.
Người dân Thanh Đa thường xuyên chịu cảnh sống chung với ngập nước
Đến đầu năm 2006, TP. HCM xác định cụ thể với dân số khoảng 80.000 người, người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đã không thể triển khai được dự án. Đến năm 2010, đơn vị này đã bị chính quyền TP. HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã "ngâm" dự án quá lâu.
Từ đó đến nay, câu chuyện doanh nghiệp tha thiết tham gia vào dự án, rồi lại “phủi áo” ra đi cứ lần lượt tiếp diễn. Giải trình với đoàn giám sát về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, UBND TP. HCM cho biết, từ năm 2003, TP đã triển khai việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án. Tuy nhiên, tiến độ còn khá chậm.
Nhiều chung cư xây dựng từ thập niên 60 vẫn chưa được cải tạo sửa chữa
Đến năm 2011, UBND TP. HCM có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chỉ định nhà đầu tư trên cơ sở tận dụng thời cơ khi có nhà đầu tư nước ngoài với nguồn lực mạnh, nhanh chóng triển khai dự án, sớm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân cũng như xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo tại khu vực.
Cuối năm 2015, UBND TP. HCM mới ban hành quyết định duyệt kết quả chỉ định liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco có văn bản gửi UBND TP về việc nhà đầu tư Emaar Properties PJSC đề nghị rút khỏi liên danh nhà đầu tư do vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng.
Năm 2019, UBND TP. HCM báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc không có cơ sở pháp lý để tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án. Đến cuối năm 2018, có 4 nhà đầu tư nước ngoài xin ứng trước kinh phí để triển khai dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự tính trên vẫn không thành.
Đến bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP. HCM) vào dịp này, hình ảnh đập vào mắt là những căn nhà lụp xụp, đường sá và môi trường sống nhếch nhác dù nơi đây, từ 30 năm trước đã được quy hoạch để trở thành khu đô thị hiện đại.
Bên trong các khu chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng
Đưa tay chỉ sang phía bên kia sông, bà Vũ Thị Hiền (65 tuổi) nói với giọng trầm buồn: “Bao nhiêu năm qua, bộ mặt đô thị khắp các địa phương ở TP. HCM thay đổi chóng mặt, nhiều khu đô thị mới, dự án mọc lên khắp nơi nhưng nơi này vẫn là vùng nông thôn với ruộng lúa, ao hồ tạm bợ, trâu bò thả rông. Thu nhập của chúng tôi rất thấp, trong khi chi tiêu cho cuộc sống, tiền học cho con cái lại theo mức chi tiêu chung của người TP”.
Theo bà Hiền, hiện gia đình 4 thế hệ hơn 10 người cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp từ lâu nhưng không dám chi tiền sửa chữa hay xây thêm nhà để mấy người con ra riêng. "Vợ chồng tôi chỉ còn biết chia mảnh đất 1 nghìn m2 mà không có giấy tờ gì để sau này qua đời thì các con cứ theo lời dặn mà làm, đừng tranh giành, xích mích với nhau" bà Hiền trải lòng.
Hiện nơi đây có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 45.000 nhân khẩu, ngoài một số hộ dân kinh doanh, buôn bán ở dọc trục đường Bình Quới thì khi đi sâu bên trong bán đảo, đặc biệt là khu vực ven sông, đa số người dân vẫn lam lũ với nghề trồng lúa, chăn bò, nuôi cá….
“Mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng chúng tôi không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục. Thật khổ với 3 từ “quy hoạch treo”, chị Hà bán quán nước ở phường 28 than vãn.
Báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội, mới đây UBND TP. HCM cho biết, vẫn đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư trong khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Sau khi UBND TP. HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ cập nhật nội dung đồ án này vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đang trong quá trình lập hồ sơ.
Sau đó, TP sẽ kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng dự án tái định cư và triển khai các bước tiếp theo của dự án. Lãnh đạo TP thống nhất sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn nhà đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, hệ lụy từ các dự án “treo” đã và đang tạo ra những tác động đa chiều tới đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, những dự án treo, quy hoạch treo tồn tại lâu năm khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc trong dư luận.
Điển hình hệ luỵ từ việc này là khiến tỷ lệ hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém, gần như bằng 0, nghĩa là không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế. “Các dự án “treo” như khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa trên diện rộng làm thui chột môi trường đầu tư tại địa phương. Dự án đã kéo dài 30 năm, điều đáng nói là trong khi nhiều nhà đầu tư có tiềm năng không có cơ hội triển khai, thì những nhà đầu tư thiếu năng lực lại tìm mọi cách "xí phần" rồi để đất hoang hóa. Bên cạnh đó là việc ì ạch, chậm trễ của các cơ quan liên quan làm lãng phí nguồn đất đai rất lớn - đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận xét.
“Đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực để khắc phục triệt để những tồn tại dự án treo kéo dài nhiều năm qua. Công tác lập, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần thống nhất chặt chẽ và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc thúc đẩy tiến độ dự án. Tăng cường công tác giám sát của các đoàn ĐBQH, HĐND trong dự án khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa, TP cần có câu trả lời cụ thể hơn về tiến độ của dự án này”, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành viên đoàn giám sát của Quốc hội cho biết.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.