Kiến nghị xử lý tài chính 391 tỷ đồng đối với dự án làm đường theo hình thức BT của Tasco

Lê Ngà - 23/05/2019 17:56 (GMT+7)

(VNF) - Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng tại dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70) do Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) làm chủ đầu tư.

VNF
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Tasco.

Trong văn bản Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018 gửi tới Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BT đã và đang được triển khai.

Cụ thể, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra kết quả kiểm toán 7 dự án BT cho thấy các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực Ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không qui định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các qui định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; đề xuất dự án không thông qua HĐND.

Trong đó, điển hình là Dự án xây dựng tuyến đường Lê Đức Thọ - KĐT Xuân Phương do Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) làm chủ đầu tư.

Tổng chiều dài tuyến đường dự án là 3,51km

Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc lựa chọn nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định.

Việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư trái với quy định của Luật đất đai; không quy định cụ thể thời điểm gia đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT, có dự án được giao đất trong khi thực hiện dự án BT. Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

“Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo TMĐT được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền SDĐ tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án đường thường thấp hơn giá trị khuyết toán công trình BT”, kiểm toán nhà nước nêu rõ.

Dự án BT làm tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương có tổng mức đầu tư 1.543 tỷ đồng

Ngoài ra, xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong khi chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước.

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ: “Mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư trái quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dựng phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng tại dự án ĐTXD tuyến đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70).

Ngày 4/2/2008, UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 603/QĐ-UBND thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.

Dự án có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1 - 2, khu đô thị mới Xuân Phương Tasco… thuộc phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.

Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Vận tốc thiết kế 60km/h. Trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng. Trong đó: đầu tư xây lắp 1.110 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 193 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác 166 tỷ đồng, chi phí dự phòng 73,5 tỷ đồng.

Dự án được Tasco khởi công ngày 15/2/2009 – gần 1 năm sau khi được Thành phố Hà Nội thông qua đề xuất. Đáng chú ý, trong quá trình thi công dự án, Tasco đã bị chỉ mặt nhiều vi phạm trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục (dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng) vào năm 2012. Dự án cũng bị kéo giãn tiến độ tới tận tháng 4/2017 mới hoàn thành.

Thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Tasco được UBND thành phố Hà Nội "đổi" cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).

Xem thêm: Danko Group lần đầu trúng thầu dự án 1.300 tỷ đồng tại Thái Nguyên

Cùng chuyên mục
Tin khác