8 năm ì ạch thi công tuyến đường 3,5km
Ngày 4/2/2008, UBND thành phố Hà Nội có quyết định số 603/QĐ-UBND thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Dự án có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1 - 2, khu đô thị mới Xuân Phương Tasco… thuộc phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Vận tốc thiết kế 60km/h. Trên tuyến có 2 cầu: cầu vượt sông Nhuệ dài 71m và cầu vượt đường sắt dài 365m.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng. Trong đó: đầu tư xây lắp 1.110 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 193 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác 166 tỷ đồng, chi phí dự phòng 73,5 tỷ đồng.
Tuyến đường do Tasco xây dựng dài 3,5km được đổi bằng 70ha đất
Dự án được Tasco khởi công ngày 15/2/2009 – gần 1 năm sau khi được Thành phố Hà Nội thông qua đề xuất. Đáng chú ý, trong quá trình thi công dự án, Tasco đã bị chỉ mặt nhiều vi phạm trong tính toán áp dụng định mức, đơn giá, tỷ lệ chi phí, khối lượng của nhiều hạng mục (dẫn tới tổng mức đầu tư của dự án bị đội lên 437 tỷ đồng) vào năm 2012. Dự án cũng bị kéo giãn tiến độ tới tận tháng 4/2017 mới hoàn thành.
Thực hiện dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Tasco được UBND thành phố Hà Nội "đổi" cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).
Sai phạm tại dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, UBND thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn kí hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu.
Cụ thể, dự án khi trình lên để xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức chỉ định thầu đã nêu ra lý do cấp bách, cần thiết. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội lại không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cần thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Tasco cũng bị đánh giá là nhà đầu tư hạn chế về năng lực tài chính, không đảm bảo năng lực theo yêu cầu, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ (trên thực tế, Thành phố Hà Nội cũng đã phải ra văn bản thúc giục Tasco hoàn thành dự án trước ngày 30/4/2017, trong đó có việc đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Tasco làm dự án trên diện tích 49,1ha thuộc Khu độ thị chức năng Xuân Phương – Đơn vị ở 1).
Bên cạnh đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư của dự án không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng giá trị hợp đồng BT thêm 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tasco cũng bị đánh giá là vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; tính sai tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11,2 tỷ đồng.
Nhiều sai phạm tại dự án được Thanh tra Chính phủ chỉ ra
Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo quận Nam Từ Liêm và nhà đầu tư giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư số tiền 19,5 tỷ đồng.
Yêu cầu khi thanh toán hợp đồng BT, nhà đầu tư phải tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 11,2 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thành phố Hà Nội điều chỉnh các Quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với Công ty Cổ phần Tasco cho phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được điều chỉnh tại Quyết định 1636/QĐ-ƯBND ngày 25/3/2014 và phương thức giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 28/8/2015 của UBND thành phố. Hà Nội; chỉ đạo các ngành chức năng của Hà Nội, quận Nam Từ Liêm tổ chức hoàn thành việc giải phóng mặt bằng dự án.
Trên cơ sở đó, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý 37,6 tỷ đồng tiền thuế đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích công cộng và bãi đỗ xe thuộc dự án để làm cơ sở quyết toán hợp đồng BT đã kí kết và làm cơ sở cho Tasco thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Tasco đã đầu tư bất động sản tại Xuân Phương như thế nào?
Với việc được UBND thành phố Hà Nội giao hàng chục hecta đất đối ứng tại Xuân Phương, Tasco đã cho triển khai dự án nhà ở Xuân Phương Foresa Villa (có mặt tiền đường 70– đối diện với dự án Xuân Phương Viglacera).
Theo ghi nhận của VietnamFinance, dự án này được thi công rầm rộ vào năm ngoái và hiện nay đã hoàn thành về cơ bản như: các căn thấp tầng, biệt thự đã xong thô (sơn mặt ngoài) và bắt đầu có cư dân về ở; các con đường nội bộ gần như hoàn chỉnh; chỉ còn một số căn hiện vẫn chưa được xây xong.
Cổng vào dự án Xuân Phương Foresa Villa trên đường 70
Xuân Phương Foresa Villa tiếp giáp với dự án Khu nhà ở cán bộ Quốc hội cấp Thứ trưởng và tương đương
Một số hạng mục trong dự án vẫn chưa được hoàn thành
Liền kề với dự án Xuân Phương Foresa Villa là dự án Xuân Phương Residence – cũng do Tasco làm chủ đầu tư. Dự án này đã hoàn thành 2 tòa E, F và một số căn thấp tầng. 3 tòa chung cư hiện vẫn đang được tiếp tục xây thô.
Tasco đang triển khai dự án Xuân Phương Residence
Hai tòa E, F Xuân Phương Residence đã được bàn giao