Học thuật

Kinh doanh chênh lệch giá là gì? Ví dụ thực tế về kinh doanh chênh lệch giá

(VNF) – Cùng VietnamFinance tìm hiểu kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) là gì, ví dụ lý thuyết và thực tế về kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage).

Kinh doanh chênh lệch giá là gì? Ví dụ thực tế về kinh doanh chênh lệch giá

Arbitrage là gì? Ví dụ thực tế về Arbitrage tại Việt Nam

Kinh doanh chênh lệch giá là gì?

Kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrage) còn được gọi là ác bít hay đảo hối.

Arbitrage là việc mua và bán một tài sản ở hai hay nhiều thị trường nhằm kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa các thị trường. Thông qua việc đồng thời mua ở thị trường có giá thấp và bán lại ở thị trường có giá cao, người đảo hối kiếm được lợi nhuận từ mức chênh lệch giá giữa hai thị trường. Nhưng chính quá trình này lại làm thay đổi điều kiện cung cầu trên hai thị trường theo hướng làm giảm sự khác biệt về giá cả ở các địa điểm khác nhau. Vì vậy, hoạt động ác bít có tác dụng làm cho sự khác biệt giá cả giữa các thị trường không vượt quá mức chi phí giao dịch.

Hành vi đảo hối có thể diễn ra trên thị trường nguyên liệu, thị trường hối đoái và thị trường cổ phiếu kỳ hạn. Trên thị trường hàng hoá, nó là cơ sở cho quy luật một giá và lý thuyết ngang bằng sức mua (viết tắt là PPP) về xác định tỷ giá hối đoái.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Ví dụ lý thuyết về Kinh doanh chênh lệch giá

Giả sử tại ngân hàng A, và B trong cùng địa phương niêm yết tỷ giá giữa đồng bảng Anh và đôla Mỹ như sau:

Ngân hàng A: GBP/USD = 1,6123/25

Ngân hàng B: GBP/USD = 1,6126/25

Tỷ giá mua vào của ngân hàng B là 1,6126 lớn hơn tỷ giá bán ra của ngân hàng A là 1,6125. Cơ hội kinh doanh xuất hiện và được thực hiện theo các bước như sau:

- Mua đồng bảng Anh ở ngân hàng A theo tỷ giá ASK GBP/USD = 1,6125

- Bán đồng bảng Anh ở ngân hàng B theo tỷ giá BID GBP/USD = 1,6126

Như vậy, lợi nhuận thu được trên 1 GBP từ nghiệp vụ Arbitrage: 1,6126 - 1,6125 = 0,001 USD

Ví dụ thực tế về Kinh doanh chênh lệch giá

Tại Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2013, lãi suất nhiều ngân hàng duy trì ở mức cao khác nhau. Các ngân hàng nhỏ thường phải huy động vốn với lãi suất cao hơn khá nhiều ngân hàng lớn bởi họ thua kém các ngân hàng lớn về nhiều khía cạnh, trong đó đặc biệt là uy tín.

Lúc này, hiện tượng kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) đã xảy ra. Nhiều cá nhân, tổ chức đã gửi tiền vào một ngân hàng, sau đó lại lấy sổ tiết kiệm đem đi thế chấp để gửi vào ngân hàng có lãi suất cao hơn, thậm chí lại tiếp tục làm như vậy vài lần nhằm "ăn" chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng.

Hay như trường hợp của thị trường bitcoin thời điểm chưa thịnh hành, thị trường bitcoin còn chưa hiệu quả, các sàn giao dịch khá ít và không đồng nhất về giá mua/bán tại một thời điểm. Nhiều nhà đầu tư thời điểm đó đã tận dụng "lỗ hổng" này để mua/bán giữa các sàn khi chênh lệch giá xảy ra. Đây cũng là một hiện tượng "arbitrage".

Chênh lệch lớn giữa giá mua vào/bán ra tại 2 sàn giao dịch bitcoin Bitfinex và Bitstamp thời điểm năm 2014 tạo ra cơ hội arbitrage

Tin mới lên