Tài chính quốc tế

Kinh tế Nga được dự báo suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994

(VNF) - Kinh tế Nga được dự đoán sẽ chứng kiến mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994 sau khi phải hứng loạt đòn trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây do thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Kinh tế Nga được dự báo suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994

Kinh tế Nga dự kiến sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay.

Hãng thông tấn quốc gia Nga RIA ngày 11/4 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Liên bang Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, cho biết Bộ tài chính và kinh tế Nga đang nghiên cứu để đưa ra những con số dự báo mới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, đồng thời cho rằng con số chính thức được dự báo sẽ giảm hơn 10%.

Đây sẽ là sẽ là mức suy giảm GDP lớn nhất của Nga kể từ năm 1994, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga cho biết Bộ Kinh tế dự báo GDP của nước này sẽ giảm từ 10-15% trong năm nay. 

Trước đó, ngày 10/4, WB công bố báo cáo dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 11,2%.

Những dự báo này đi ngược lại với các dự báo trước đó từ chính phủ Nga cho rằng GDP nước này sẽ tăng 3% năm nay, sau khi tăng 4,7% năm 2021.

Phát biểu trước báo giới hồi tuần trước, Thủ tướng Mishustin đánh giá Nga đang phải đối mặt với tình huống khó khăn nhất trong 3 thập niên qua do các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây. Ông thừa nhận vẫn còn tình trạng tăng giá hàng hóa ở Nga dẫn tới lạm phát tăng cao.

Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố các nỗ lực của nước ngoài nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ thất bại, việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới vì các công ty nước ngoài rời Nga sẽ nhường chỗ cho những công ty khác.

Ở động thái liên quan, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mới đây cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm 0,7-1,3% xuống còn 3,1%-3,75% trong năm 2022.

Cũng theo WTO, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50% của mức dự báo 4,7% hồi tháng 10 năm ngoái xuống còn khoảng 2,4-3%.

Chiến tranh và các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu khả năng kết nối bằng cách làm gián đoạn các tuyến đường thương mại, đồng thời tăng chi phí vận chuyển và bảo hiểm, làm gia tăng các căng thẳng hiện có trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tác động đến một loạt các ngành công nghiệp bao gồm thực phẩm, ô tô, xây dựng, hóa dầu và vận tải.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk từ chối tham gia ban lãnh đạo, đề xuất dùng Dogecoin trả phí cho Twitter

Tin mới lên