LTG xuống dưới mệnh giá và cuộc tháo chạy khỏi Lộc Trời
(VNF) - Trước những thông tin kém tích cực về Lộc Trời trong thời gian qua, cổ phiếu LTG trong phiên 10/10 đã chính thức để mất 10.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá), khi giá cổ phiếu giảm sàn, rơi xuống mức 9.900 đồng/cổ phiếu.
Thị giá “chia 3” sau 1 năm
Kết phiên 10/10, cổ phiếu LTG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) giảm kịch biên độ gần 15%, đưa thị giá về dưới mệnh giá xuống mức 9.900 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức đáy thấp nhất trong vòng hơn 4 năm nay của cổ phiếu LTG, cách không xa mức đáy ghi nhận hồi cuối tháng 3/2020 (9.160 đồng/cổ phiếu – giá điều chỉnh).
Về thanh khoản, LTG khớp lệnh gần 3,6 triệu đơn vị trong phiên 10/10, con số khá ấn tượng so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng gần đây là 426.402 đơn vị, 10 phiên gần nhất là 850.360 đơn vị. Kết phiên, LTG dư bán 130.400 đơn vị, dư mua chỉ 700 đơn vị. Trước đó trong phiên 8/10 và 9/10, LTG cũng ghi nhận khối lượng giao dịch cao hơn mức trung bình, lần lượt ở mức 1,58 triệu đơn vị và 1 triệu đơn vị.
Đáng nói, xu hướng sụt giảm của LTG trên thị trường chứng khoán đã kéo dài trong suốt 1 năm qua. Từ mức 30.400 đồng/cổ phiếu của 1 năm trước (giá điều chỉnh phiên 10/10/2023), thị giá của LTG đã “chia 3” còn 9.900 đồng/cổ phiếu, tương mức sụt giảm 67%. Cùng với đà giảm của thị giá, Lộc Trời cũng mất mốc vốn hoá nghìn tỷ đồng đã duy trì trong những năm qua, ghi nhận ngấp nghé ở mức hơn 997 tỷ đồng.
Trước những diễn biến xấu của LTG trên thị trường, khối ngoại cũng cho thấy đang tháo chạy khỏi doanh nghiệp này khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài liên tục sụt giảm kể từ đầu năm đến nay. Theo đó, room ngoại từ mức hơn 43% ghi nhận hồi cuối tháng 1 đã sụt giảm còn 36,61% tính tới cuối phiên 10/10, tương đương lượng bán ròng hơn 6,5 triệu đơn vị.
Hiện 2 cổ đông lớn thuộc khối ngoại của Lộc Trời là Marina Viet Pte. Ltd và Augusta Viet Pte Ltd, lần lượt nắm giữ hơn 20,3 triệu và gần 4,6 triệu cổ phiếu LTG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 25,21% và 5,71%.
Lộc Trời đưa cổ phiếu lên giao dịch tại hệ thống UPCoM từ năm 2017 với mức giá tham chiếu 55.000 đồng/cổ phiếu, gây ấn tượng với các nhà đầu tư khi là công ty nông nghiệp có quy mô lớn trên thị trường chứng khoán.
Trải qua nhiều năm giao dịch tại UPCoM, Lộc Trời từng nhiều lần lên phương án chuyển niêm yết sang HoSE, tuy nhiên kế hoạch chuyển sàn đều bị trì hoãn. Tới đầu năm 2024, cổ đông ngoại Marina Viet Pte. Ltd đã thúc giục Lộc Trời bằng cách gửi văn bản đề xuất đưa kế hoạch niêm yết cổ phiếu HoSE vào chương trình thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên, nhưng đến nay Lộc Trời vẫn chưa có động thái thực hiện.
Lùm xùm nội bộ
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư cá nhân, những diễn biến xấu của cổ phiếu LTG trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc thị giá “chia 3” chỉ trong 1 năm đang phản ánh sự bất ổn trong nội tại của doanh nghiệp.
Sự bất ổn này bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, khi Lộc Trời công bố miễn nhiệm ông Nguyễn Duy Thuận khỏi vị trí tổng giám đốc sau 4 năm đương nhiệm. Sau sự ra đi của ông Thuận, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn trực tiếp chỉ đạo và điều hành tất cả hoạt động của Lộc Trời cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới.
Mới đây, UBND tỉnh An Giang cho biết đã nhận được Công văn số 312 của Lộc Trời. Nội dung công văn này đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng giám đốc Lộc Trời, do ông bị cáo buộc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp này.
Trước đó, ngày 24/7, Lộc Trời cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Doanh nghiệp này cho rằng ông Thuận "có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm".
Bên cạnh đó, tại Lộc Trời cũng liên tục xảy ra những biến động nhân sự cấp cao khi ông Johan Sven Richard Bode đã nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân sau 2 tháng đảm nhận.
2 thành viên Ban kiểm soát của tập đoàn này là bà Nguyễn Thị Thúy và ông Tiêu Phước Thạnh cũng mới xin từ nhiệm. Hiện Ban kiểm soát Lộc Trời chỉ còn Trưởng ban là ông Uday Krishna.
Tại một sự kiện gặp gỡ doanh nhân diễn ra mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn đã bày tỏ quyết tâm “đi tiếp” với Lộc Trời bất chấp doanh nghiệp đang đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ phải đối mặt với tù tội.
Vị chủ tịch này đã thẳng thắn chia sẻ về tính cảnh của Lộc Trời như một trận đánh bị nội gián phản bội, dẫn đến sa lầy và tuyên bố chắc nịch dù tù tội, hay hy sinh, ông đều chấp nhận để giữ vững Lộc Trời.
Khủng hoảng thiếu hụt dòng tiền
Thời gian đã bước vào quý IV/2024, nhưng Lộc Trời hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II. Trong những văn bản giải trình, doanh nghiệp cho biết chưa khắc phục được các sự kiện bất khả kháng và cần tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ nhân sự phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.
Những văn bản này làm giới phân tích đặt nghi vấn về khả năng tài chính của Lộc Trời. Tuy nhiên, những câu hỏi về dòng tiền có lẽ đã bắt đầu từ hồi đầu tháng 5 vừa qua, khi doanh nghiệp vướng vào lùm xùm về nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại thời điểm đó, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời nợ 245 tỷ đồng tiền mua lúa của hơn 900 nông dân huyện Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và Tri Tôn. Tương tự, tại Đồng bằng Sông Cửu Long, các sở nông nghiệp cho biết Lộc Trời còn nợ 227 tỷ đồng.
Ngay sau đó, doanh nghiệp gấp rút thực hiện thanh toán khoản nợ 472 tỷ đồng tiền mua lúa vụ cho nông dân sau khi thu xếp dòng tiền với đối tác, bán lúa khô và vay ngân hàng.
Theo báo cáo tài chính của Lộc Trời, tính tới cuối quý I, quỹ tiền mặt đã giảm 78% chỉ trong 3 tháng, từ hơn 490 tỷ đồng còn hơn 105 tỷ đồng. Chiếm hơn nửa trong tổng tài sản của doanh nghiệp là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt hơn 6.621 tỷ đồng. Trong đó, Lộc Trời đang trích lập hơn 490 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.
Bảng nguồn vốn cho thấy doanh nghiệp đang phải gánh một khoản nợ vay khá lớn, lên tới hơn 6.300 tỷ đồng. Dư nợ vay cao đã khiến Lộc Trời phải ghi nhận hơn trăm tỷ mỗi quý cho chi phí lãi vay.
Nhìn vào kết quả kinh doanh, trong quý I, dù doanh thu đạt tăng trưởng 57% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 3.849 tỷ đồng, tuy nhiên biên lãi gộp thấp, cùng các chi phí neo cao đã làm doanh nghiệp lỗ 96 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.
Đề nghị ngăn chặn cựu CEO Nguyễn Duy Thuận, điều gì đang xảy ra với Lộc Trời?
- Lộc Trời đề nghị ngăn chặn với cựu CEO Nguyễn Duy Thuận 05/10/2024 12:35
- Gom gió tạo điện: Nên làm gì để không phí 'lộc trời ban'? 18/08/2024 11:00
- Lý do bất khả kháng, Lộc Trời hoãn công bố báo cáo tài chính 31/07/2024 04:55
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.