'Mắt thần' giám sát thu phí BOT hoạt động như thế nào?

Trần Lưu - 05/04/2019 17:16 (GMT+7)

(VNF) - Dữ liệu từ các trạm thu phí BOT sẽ được gửi lên hệ thống và lưu vào một kho dữ liệu thô mà không ai có thể can thiệp được vào báo cáo doanh thu cuối ngày. Tất cả các dữ liệu thu phí sẽ được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

VNF
Hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đặt tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ là 'mắt thần' theo dõi toàn bộ quá trình thu phí tại các trạm BOT.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ để giám sát và chống gian lận tại các trạm thu phí BOT. Dự kiến trong tháng 4 này, hệ thống sẽ được đưa vào hoạt động chính thức.

Theo đó, khi có một xe qua trạm BOT, ngay lập tức khoảng 1-2 giây dữ liệu của xe đó sẽ được truyền về trung tâm. Doanh thu được tổng hợp và báo cáo liên tục từng giờ, từng ca, từng ngày... giúp cán bộ tại trung tâm có thể giám sát và nắm bắt tình hình thu phí một cách nhanh chóng, kịp thời và liên tục, thay vì tổng hợp hàng tháng, hàng năm như hiện tại.

Từ dữ liệu được truyền về từ trạm theo thời gian thực, trung tâm sẽ tổng hợp doanh thu độc lập, từ đây có thể đối chiếu dữ liệu báo cáo cuối ngày của trạm tự tổng hợp để so sánh, đối chiếu.

Hệ thống giám sát sẽ cung cấp đầy đủ thông tin loại xe, loại vé, giá tiền, lưu lượng xe qua và doanh thu thu phí. Các camera tại trạm được yêu cầu cung cấp địa chỉ truy cập các camera làn, camera ca bin, camera quan sát toàn cảnh tại trạm cùng tài khoản truy cập để trung tâm giám sát có thể dễ dàng theo dõi cũng như đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu truyền về.

Một tính năng đặc biệt của hệ thống này là công nghệ tự động kiểm tra và phân tích dữ liệu thu phí nhằm phát hiện ra các giao dịch nghi vấn. Hệ thống có khả năng phát hiện các sai phạm như quay vòng vé, bán vé sai mệnh giá, thiếu giao dịch, sai loại vé - loại xe, sai loại vé trả trước, không đúng xe ưu tiên, vé toàn quốc, dùng thẻ E-tag của xe khác và có sự thay đổi đột ngột về lưu lượng xe… sau đó cảnh báo tới cán bộ vận hành tại trung tâm cũng như tới nhà đầu tư BOT trên giao diện phần mềm và email để các bên giải trình và thống nhất.

Về khả năng bảo mật, hệ thống này được bảo mật nhiều lớp, đường truyền kéo độc lập từ trạm. Mỗi trạm thu phí sẽ được cài đặt thiết bị “firewave” (tường lửa) để giám sát khả năng truy cập vào, ra. Dữ liệu được truyền một chiều từ trạm về trung tâm nên từ trạm không thể can thiệp được vào hệ thống.

Bên cạnh đó, dữ liệu được mã hóa ngay trong quá trình truyền về trung tâm nên không thể can thiệp. Hệ thống còn có đơn vị độc lập “test” tính bảo mật và cấp chứng chỉ. Đồng thời, quy trình của hệ thống giám sát được thiết kế chỉ được xuất số liệu, bất kỳ ai không được nhập text ở bất kỳ ô nào của hệ thống nên không thể can thiệp được vào báo cáo doanh thu cuối ngày.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng, với hệ thống này cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát toàn bộ quy trình thu phí hiện nay (cả thu phí một dừng và thu phí không dừng). Đảm bảo mục tiêu khi toàn bộ các trạm thu phí BOT được bàn giao lại cho Công ty VETC (đơn vị phụ trách hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc) hệ thống này cũng sẽ giúp nhà đầu tư BOT giám sát cả VETC.

Việc triển khai hệ thống giám sát thu phí cũng giúp kiểm soát chặt chẽ thời gian hoàn vốn của dự án, minh bạch hóa doanh thu, chi phí của dự án để cơ quản quản lý nhà nước chủ động trong việc quản lý và cung cấp đầy đủ thông tin tới người dân cùng tham gia giám sát.

Cùng chuyên mục
Tin khác