Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty không áp trần giá dầu Nga

Minh Đăng - 23/11/2022 22:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo quy định mới của Bộ Tài chính Mỹ, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ bị trừng phạt nếu không tham gia áp trần giá dầu Nga.

VNF
Mỹ đe dọa trừng phạt các công ty không áp trần giá dầu Nga.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/11 công bố các hướng dẫn chi tiết mới về kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga dù cho tới nay Washington và các nước đồng minh thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất được mức trần giá.

Theo hướng dẫn mới này, các công ty cung cấp dịch vụ dầu mỏ của Mỹ chỉ được phép tiếp tục kinh doanh dầu từ Nga nếu giá trên hợp đồng bằng hoặc thấp hơn so với mức giá trần sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12/2022.

Cụ thể, các công ty phải tuân theo quy định mới của Bộ Tài chính Mỹ khi làm ăn với các doanh nghiệp Nga gồm vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, tài chính, bảo hiểm, môi giới và môi giới hải quan.

Mục đích của động thái này nhằm khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ giảm đi đáng kể, góp phần ổn định thị trường năng lượng toàn cầu và gây khó khăn cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

Cũng theo quan chức này, Washington hy vọng các đối tác thuộc G7 và EU tham gia áp trần giá dầu Nga sẽ ban hành các quy tắc tương tự trong thời gian tới.

Cũng theo hướng dẫn mới, giá trần sẽ không áp dụng trong trường hợp hoạt động chế biến quan trọng được thực hiện bên ngoài Liên bang Nga, ví dụ "dầu thô được tinh chế hoặc trải qua một quá trình chuyển đổi quan trọng khác làm sản phẩm mất đi tính chất riêng và biến thành sản phẩm mới với tên gọi, đặc tính và công dụng mới".

Quan chức này nhấn mạnh thêm rằng Nga sẽ khó đưa ra động thái trả đũa chính sách mới bởi "bất kỳ hành động tăng giá nào đều sẽ có tác động đến khách hàng mới của Nga và những khách hàng như Ấn Độ, Trung Quốc, những đối tượng mà Nga muốn tiếp tục là khách hàng dầu mỏ trong tương lai".

Cũng theo quan chức cấp cao của Bộ Tài Chính Mỹ, giá trần có thể sẽ được xem xét hằng quý hoặc nửa năm một lần chứ không điều chỉnh mỗi tuần hay mỗi tháng như ý tưởng ban đầu do nhu cầu đảm bảo sự chắc chắn và ổn định cho thị trường nên.

Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép thực hiện các giao dịch liên quan việc nhập khẩu dầu mỏ Nga vào Bulgaria, Croatia, cũng như bất cứ quốc gia thành viên nào của Liên minh châu Âu (EU) không giáp biển.

Dự kiến các quan chức EU nhóm họp trong ngày 23/11 để thảo luận và nhất trí về mức giá trần cuối cùng áp với dầu mỏ Nga.

Ở động thái liên quan, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây khẳng định rằng việc áp giá trần là hành động can thiệp chưa từng có vào các nguyên tắc thị trường của thị trường dầu mỏ, có thể dẫn đến giảm đầu tư, giảm nguồn cung và thiếu hụt các loại hàng hóa khác.

Theo vị quan chức Nga, nước này không có kế hoạch cung cấp dầu mỏ hoặc các sản phẩm từ dầu mỏ cho các nước áp giá trần đối với mặt hàng này của Nga. Thay vào đó, Moscow sẽ xem xét lại nguồn cung cho các đối tác định hướng thị trường hoặc cắt giảm sản lượng.

Xem thêm >> Moldova bác cáo buộc Ukraine ‘rút ruột’ khí đốt Nga

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác