Tài chính quốc tế

Mỹ, EU đe dọa giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga nếu sáp nhập các tỉnh Ukraine

(VNF) - Nhà Trắng cho biết Mỹ cùng với các đồng minh sẵn sàng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu Moscow tiến tới sáp nhập các phần lãnh thổ Ukraine.

Mỹ, EU đe dọa giáng đòn mạnh vào kinh tế Nga nếu sáp nhập các tỉnh Ukraine

Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ ngày 23-27/9. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố vào ngày 28/9.

Phát biểu trước báo giới ngày 23/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhấn mạnh rằng những cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và phá hoại nền tảng của Hiến chương Liên hợp quốc.

Bà Jean-Pierre cho biết Mỹ sẽ không công nhận những vùng lãnh thổ được Moscow sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và duy trì viện trợ an ninh cho nước này.

Vị quan chức Nhà Trắng đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng mình sẵn sàng nâng cấp các hình phạt kinh tế bổ sung đối với Nga nếu Moscow cố gắng sáp nhập thêm lãnh thổ Ukraine.

Tuyên bố của bà Pierre được đưa ra trong bối cảnh hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở vùng Donbass cùng hai khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson, Zaporizhzhia của Ukraine bắt đầu lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập vào Nga từ ngày 23/9. 4 khu vực này chiếm khoảng 15% lãnh thổ Ukraine.

Theo đó, các điểm bỏ phiếu mở cửa từ ngày 23-27/9. Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố vào ngày 28/9.

Ở động thái liên quan, phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng ngoại giao EU ngày 23/9, Cao ủy chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết khối đã thống nhất về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý.

Ông Borrell cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ được triển khai sớm và có sự phối hợp với các đối tác của EU, nhắm vào nền kinh tế Nga, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, EU cũng sẽ đưa một số cá nhân vào danh sách đen.

Cụ thể, các nhà ngoại giao EU cho biết liên minh này đang xem xét mức trần giá dầu, hạn chế chặt chẽ hơn đối với xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với các cá nhân và thực thể Nga.

Đồng quan điểm với Mỹ, Cao ủy chính sách đối ngoại Josep Borrell khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng coi các cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye là "bất hợp pháp" và không dân chủ. Nhóm này tuyên bố không chấp nhận kết quả bỏ phiếu và cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ Ukraine.

Xem thêm >> Châu Âu chi tới 500 tỷ euro ứng phó khủng hoảng năng lượng

Tin mới lên