Tài chính quốc tế

Mỹ gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

(VNF) - Cho rằng những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm mục đích can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do của Mỹ và các quốc gia khác, Mỹ đã gửi công hàm đến Liên hợp quốc (LHQ) bác bỏ những yêu sách này.

Mỹ gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Viết trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này vừa gửi công hàm lên LHQ để phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để tuân thủ luật pháp quốc tế và các quyền tự do trên biển", Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Đồng thời, công hàm ngày 1/6 do Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng được ông đăng tải.

Bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ.

Trước đó phía Trung Quốc vào ngày 12/12/2019 đã gửi công hàm CML/14/2019 lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), với nội dung phản phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Mỹ cho rằng trong công hàm nêu trên, phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Công hàm do Mỹ gửi lên LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách này "mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác". Vì vậy "Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này".

Bà Craft cũng nói rõ Mỹ chỉ phản đối các yêu sách của Trung Quốc và không đưa ra bình luận về yêu cầu xác lập giới hạn thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Ngoài ra, Đại sứ Craft khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét theo UNCLOS 1982.

Bà Kelly Craft yêu cầu Tổng thư ký Antonio Guterres lưu hành bức thư của mình tới toàn bộ các thành viên Liên Hợp Quốc như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và của Hội đồng bảo an.

Bà Craft cũng yêu cầu ông Guterres đăng tải bức thư trên trang web của bộ phận về các vấn đề liên quan tới đại dương và luật biển thuộc Văn phòng các vấn đề pháp lý của Liên Hợp Quốc. 

Trước đó, ngày 31/5, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah xác nhận Indonesia đã thông qua Đại diện thường trực của nước này tại New York, gửi công hàm ngoại giao cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các cơ quan liên quan đến vấn đề hàng hải của LHQ, tái khẳng định lập trường của Indonesia bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông theo điều 9D/quyền lịch sử của luật pháp quốc tế.

Indonesia xác nhận, bản đồ Đường chín đoạn hàm ý yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở pháp lý quốc tế và điều này cũng có nghĩa là đã vi phạm Công ước về Luật Biển quốc tế 1982 (UNCLOS).

Là một quốc gia thành viên tại UNCLOS 1982, Indonesia luôn kêu gọi tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng xác nhận Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ ngày 30/3 đã gửi công hàm phản đối hai công hàm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Bà Thu Hằng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo bà Hằng, lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.

Xem thêm >> Campuchia tái khẳng định không cho Trung Quốc dùng căn cứ hải quân

Tin mới lên