Năm 2019 chẳng 'dễ dàng' của các ứng dụng gọi xe: CEO rời 'ghế nóng', đối mặt với những cuộc đình công của tài xế
Duy Vũ -
30/12/2019 08:13 (GMT+7)
Các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam đều tăng trưởng trong năm 2019 nhưng mỗi ứng dụng cũng phải đối mặt với nhiều biến động trong suốt 1 năm qua, trong đó đáng kể rất là sự thay đổi ở các vị trí lãnh đạo.
Chỉ trong vòng 1 năm, các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam có hàng loạt biến động nhân sự cấp cao khi hàng loạt CEO rời “ghế nóng”.
Các CEO ứng dụng gọi xe rời "ghế nóng"
Ngày 24/12, ông Trần Thanh Hải rời khỏi vị trí CEO của beGroup – đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe "be". CEO sáng lập be rời vị trí ghế nóng này vì lý do cá nhân. Người kế nhiệm ông Hải là bà Nguyễn Hoàng Phương, hiện là Giám đốc vận hành. Dù không còn là CEO nhưng ông Trần Thanh Hải vẫn giữ vai trò là cố vấn chiến lược cho Hội đồng quản trị.
Năm 2019 cũng đánh dấu sự biến động nhân sự lớn đối với ứng dụng Go-Viet. Từ cuối tháng 3/2019, ông Nguyễn Vũ Đức, CEO đầu tiên của GoViet chính thức rời ghế sau gần 1 năm ứng dụng gọi xe này chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Ngoài CEO Nguyễn Vũ Đức, một vài vị trí nhân sự cấp cao khác của GoViet cũng có biến động.
Đến tháng 4/2019, một gương mặt quen thuộc là bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí CEO Go-Viet. Tuy nhiên, nữ CEO kế nhiệm này cũng rời GoViet chỉ sau hơn 5 tháng tại vị. Hiện, ông Phùng Tuấn Đức, người được biết đến với vai trò là Giám đốc vận hành của GoViet đang giữ vị trí CEO. Ông Đức cũng là một trong những thành viên sáng lập của ứng dụng này.
Ngoài biến động nhân sự tại GoViet và be, năm 2019 cũng chứng kiến một loạt CEO rời vị trí trong đó phải kể đến CEO Nguyễn Xuân Trường của AhaMove sau hơn 3 năm đảm nhận vai trò lãnh đạo hay CEO Nguyễn Trần Thi đồng sáng lập ra Giao Hàng Nhanh cũng rời vị trí.
Cuộc đua trở thành siêu ứng dụng
Không chỉ là các ứng dụng gọi xe thuần túy, đáp ứng nhu cầu di chuyển thường ngày của khách hàng, các ứng dụng gọi xe hiện nay đều đang theo con đường trở thành các “siêu ứng dụng”, từ Grab đến GoViet hay be.
Thực tế thì siêu ứng dụng không chỉ là hướng đi của các ứng dụng tại thị trường Việt Nam mà còn đang là xu hướng trên thế giới. Grab đã sớm tham gia vào hầu hết các lĩnh vực hiện nay và dường như đang thành công nhất.
Grab hiện đang cung cấp dịch vụ di chuyển, giao hàng, giao nhận đồ ăn, thanh toán, đặt khách sạn, tài chính… Trong khi đó, ứng dụng be hiện đã thành công khi triển khai beBike, beCar và beBike, beCar, beRental, dịch vụ tài chính beFinancial và mới nhất là các dịch vụ giao hàng nhanh, chuyển phát. Go-Viet cũng đang đi từng bước thận trọng hơn khi vẫn chưa triển khai các dịch vụ khác ngoài xe hai bánh, giao hàng và giao đồ ăn.
Nhưng con đường phát triển thành một siêu ứng dụng rõ ràng đang có những khó khăn và tiềm ẩn những “mối nguy” khi cuộc chạy đua trong thị trường gọi xe cũng như giao đồ ăn, tài chính vốn là những cuộc chiến vô cùng khốc liệt.
be mới đây phải tuyên bố tập trung nguồn lực để củng cố vào mảng vận tải, không chỉ bảo vệ thị phần đã có và đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2020 thay vì đầu tư dàn trải vào các mảng dịch như khác nhau như giao đồ ăn. Trong khi đó, GoViet cũng chưa thể triển khai các dịch vụ xe bốn bánh và tài chính sau hơn 1 năm góp mặt tại thị trường Việt Nam.
Cuộc đình công của các tài xế
Tài xế GoViet đình công
Để thu hút và giữ chân tài xế, khách hàng, các ứng dụng gọi xe đổ tiền vào những chiến dịch khuyến mãi cho khách và tiền thưởng cho tài xế. Các tài xế công nghệ không chỉ “kiếm tiền” từ các cuốc xe, rất nhiều tài xế cày tiền thưởng từ các ứng dụng và coi đây là một trong những nguồn thu chính.
Sau thời gian “đổ tiền” nuôi ứng dụng, các ứng dụng gọi xe liên tục thay đổi chính sách chiết khấu, giá cả cũng như tiền thưởng đối với tài xế. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến những cuộc đình công của tài xế công nghệ khi tiền thưởng "nuôi" các chuyến xe không còn.
Trong năm 2019, cả 3 ứng dụng gọi xe lớn nhất thị trường hiện nay là Grab, GoViet, be đều phải đối mặt với những cuộc đình công từ các đối tác tài xế do sự thay đổi chính sách.
Be cũng đối diện với cuộc đình công đầu tiên từ các đối tác của mình
Giữa năm 2019, nhiều tài xế GrabBike lại tụ tập tại văn phòng Grab (TP.HCM) để phản đối việc Grab tăng mức phí sử dụng ứng dụng (thực chất là thu hộ thuế). Ngay sau đó, Grab đã ngừng thu hộ thuế thu nhập cá nhân đối với các tài xế chạy ứng dụng.
Giữa tháng 7/2019, hàng trăm tài xế GoViet kêu gọi tắt ứng dụng và kéo đến trụ sở công ty tại TP.HCM đình công để phản đối chính sách thưởng mới của GoViet khi cho rằng chính sách này quá khắt khe.
Trong cách tính điểm thưởng mới, thu nhập của tài xế tăng lên nhưng họ phải chạy nhiều cuốc hơn so với trước. Nhiều tài xế cho rằng không thể nào chạy được mức như GoViet mới đề ra.
Ứng dụng gọi xe be cũng đối diện với cuộc đình công của nhiều đối tác tài xế phía Bắc với nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thay đổi chính sách điểm thưởng, thuế VAT và thu hộ thuế TNCN. Cũng như Grab, GoViet, thu nhập của tài xế be dựa vào doanh thu thuần và tiền từ điểm thưởng. Gia nhập thị trường sau, chính sách điểm thưởng của be được coi là "rộng rãi" hơn so với hai đối thủ nói trên để thu hút tài xế. Việc điều chỉnh chính sách thưởng của be khiến nhiều tài xế tỏ ra bức xúc. Nhiều tài xế beBike đã kêu gọi đồng nghiệp tắt ứng dụng và tập trung tại trụ sở tiếp đối tác của be để phản đối và yêu cầu lãnh đạo công ty xem xét lại các chính sách mới.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone