Bất động sản

Nạo vét luồng Quy Nhơn: ‘Tuýt còi’ việc đổ thải 300.000m3 bùn ra biển

(VNF) - Cuối tháng 5/2019, Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) đã gửi 3 phương án tới UBND tỉnh Bình Định đề xuất việc nạo vét luồng Quy Nhơn. Đáng chú ý, trong các phương án có đề xuất việc đổ 300.000 m3 chất thải nạo vét ra biển. Sau khi xem xét, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh Bình Định đã không đồng ý, và yêu cầu phải đổ chất thải lên bờ.

Nạo vét luồng Quy Nhơn: ‘Tuýt còi’ việc đổ thải 300.000m3 bùn ra biển

3 phương án đổ thải nạo vét luồng Quy Nhơn

Theo văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng nạo vét ở luồng cảng Quy Nhơn dự kiến khoảng 300.000m3. Do tuyến luồng đang bị bồi lắng nghiêm trọng nên việc nạo vét là hết sức cấp thiết. Vì thế, Cục HHVN đưa ra 3 phương án đổ thải, trong đó có phương án nhận chìm vật chất nạo vét ở khu vực ngoài phao số 0 biển Quy Nhơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Định cho biết: “Theo đề xuất của Cục Hàng hải, khối lượng nạo vét khoảng 300.000m3. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất còn khối lượng cụ thể thì cần phải dựa theo những tính toán cụ thể đánh giá thể hiện theo phương án”.

“Hiện tạ đây mới chỉ là đề xuất, phía hàng hải phải xác định phương án nạo vét, xử lý nhận chìm rồi đề xuất khối lượng bao nhiêu, khảo sát điểm nhận chìm theo quy hoạch ở vị trí nào, khi đó mới tính chuyện thẩm định để báo cáo UBND tỉnh”, ông Tùng nói.

Còn theo Chi cục Biển và Hải đảo Bình Định, vật chất nạo vét này chủ yếu là bùn thải, bùn đất và các chất phù sa ở cửa biển từ đầm Thị Nại đổ ra. Sau khi UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép nạo vét, Cục Hàng hải sẽ phải xây dựng phương án cụ thể về việc xác định vị trí, khối lượng cụ thể, phương án đổ thải.

Sẽ đổ thải tại các dự án xung quanh đầm Thị Nại

Ngay sau khi có đề xuất từ Cục HHVN, ngày 17/6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Định đã tiến hành đi khảo sát ngoài thực địa trên các vị trí đề xuất nhấn chìm của Cục Hàng hải Việt Nam.

Ngày 30/6, ông Lê Văn Tùng cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam bước đầu đã thống nhất phương án xử lý vật chất khi nạo vét luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn. Theo đó, khối lượng vật chất này dùng để san lấp các công trình, không nhấn chìm xuống biển. Sở TNMT Bình Định sẽ có báo cáo cụ thể việc này tới UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước đây, sau khi thực hiện nạo vét luồng cảng Quy Nhơn, vật chất nạo vét cũng được nhấn chìm ngoài biển và các vị trí được Bộ TN&MT chỉ định, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.

Hơn nữa, thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đơn vị đã tiến hành khảo sát vật chất nạo vét chủ yếu là cát, có ít bùn lẫn lộn, chứ không phải là toàn bộ bùn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tùng, "sau khi họp bàn, chúng tôi cũng đưa ra 1 số vấn đề yêu cầu Cục Hàng hải nghiên cứu, trong đó có ưu tiên phương án tận dụng vật chất nạo vét đó để san lấp công trình, dự án mà tỉnh đang đầu tư. Vị trí tiếp nhận vật chất nạo vét có thể sẽ là các dự án xung quanh đầm Thị Nại”, ông Tùng nói.

Ông Tùng cho hay, hiện tất cả phương án đưa ra chỉ mới là kế hoạch đề xuất ban đầu. Sở sẽ phải báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định để xem xét, chỉ đạo. Việc triển khai nhấn chìm hay tận dụng vật chất nạo vét để san lấp chỉ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền cho phép với trình tự triển khai phải đúng theo quy định.

Tin mới lên