VNF

“Đến Việt Nam năm 2019 và bắt tay triển khai mô hình ngân hàng số hoàn toàn mới, ông Bryan Carroll – Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ và nền tảng kỹ thuật số - TNEX (Ngân hàng số TNEX) bày tỏ: “Tôi thấy có rất ít rào cản đối với xây dựng neobank tại Việt Nam. Mô hình này cung cấp một giải pháp khả thi để giải quyết thách thức của phần lớn dân số không hoặc ít sử dụng dịch vụ ngân hàng, mà chính phủ đang nỗ lực giải quyết thông qua các tiến bộ công nghệ hiện đại”.

Với sự xuất hiện mô hình các ngân hàng số mới hoàn toàn như TNEX, Cake, Timo…, ông có thể mô tả về các ngân hàng này và cách thức hoạt động của nó?

Neobank, còn được gọi là ngân hàng thuần số, là các tổ chức tài chính hoạt động độc lập trên không gian trực tuyến mà không có bất kỳ chi nhánh vật lý nào. Các ngân hàng này cung cấp dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số thông qua các ứng dụng di động và trang web, cho phép khách hàng quản lý tài chính của họ từ xa vào mọi lúc, mọi nơi. Họ sử dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm ngân hàng liền mạch và thân thiện với người dùng, với các tính năng như thông báo giao dịch theo thời gian thực, công cụ lập ngân sách và tiếp cận tư vấn tài chính.

Để hoạt động, các neobank dựa vào công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy để tự động hóa và tối ưu hóa các dịch vụ ngân hàng của họ. Họ sử dụng dữ liệu khách hàng để tạo nên các dịch vụ được cá nhân hóa, nâng cao khả năng phát hiện gian lận và cải thiện quản lý rủi ro.

So với các ngân hàng truyền thống, các neobank thường cung cấp các dịch vụ nhanh hơn và rẻ hơn, nhờ tiết kiệm được nhiều chi phí hoạt động.

Đâu là điểm khác biệt của mô hình ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống được số hoá?

Ngày nay, hầu hết các ngân hàng truyền thống cung cấp cho khách hàng của họ các ứng dụng ngân hàng trực tuyến và di động để hỗ trợ mối quan hệ với khách hàng của họ. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, sẽ thấy xuất hiện nhiều điểm khác biệt.

Đầu tiên là sự khác biệt giữa có chi nhánh so với không có chi nhánh. Các ngân hàng truyền thống vẫn duy trì cơ sở hạ tầng chi nhánh vật lý như một phần cốt lõi trong định vị khách hàng của mình. Sự tồn tại của các chi nhánh vật lý trong thế giới kỹ thuật số ngày nay là điều hoàn toàn dễ hiểu khi các ngân hàng truyền thống ra đời trước khi có kỹ thuật số.

Trong khi đó, các neobank được sinh ra trong thế giới kỹ thuật số và phục vụ khách hàng của mình thông qua việc tận dụng công nghệ tiên tiến thay vì thuê một số lượng lớn nhân viên hoặc mong đợi các khách hàng đến chi nhánh để thực hiện các giao dịch ngân hàng hàng ngày. Điều cần lưu ý là các chi nhánh ngân hàng “ngốn” một trong những chi phí cố định lớn nhất đối với các ngân hàng truyền thống. Neobank không có chi nhánh nên không có phần chi phí này, cho phép họ cung cấp phí thấp hơn hoặc bằng 0 và lãi suất tiền gửi cao hơn cho khách hàng của họ.

Điểm khác biệt chính nữa là định hướng theo dữ liệu. Khách hàng mong đợi các sản phẩm và dịch vụ được điều chỉnh theo nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của họ. Họ muốn cảm nhận rằng các nhà cung cấp dịch vụ của họ thấu hiểu và coi trọng họ dưới góc độ cá nhân hóa. Bất kỳ công ty nào muốn cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa đều có yêu cầu bắt buộc phải thu thập và rút ra những thấu hiểu khách hàng có khả năng hành động từ các dữ liệu.

Các ngân hàng truyền thống trên khắp thế giới đang nỗ lực chuyển đổi các công nghệ, cách thức làm việc và văn hóa mang tính kế thừa của họ nhằm có thể tận dụng lợi thế của dữ liệu, cả trong nội bộ lẫn khách hàng bên ngoài.

Các neobank sử dụng dữ liệu để liên tục tối ưu hóa các quy trình và cơ sở hạ tầng nội bộ của họ. Trong một neobank, hầu hết các quy trình và cơ sở hạ tầng hỗ trợ được xây dựng để trở nên thông minh và có thể mở rộng; chúng có thể được chia thành các bộ phận, hoạt động trên đám mây, được cung cấp từ cơ sở dữ liệu và được điều khiển bởi trí thông minh nhân tạo và công nghệ học máy - liên tục nỗ lực cải thiện trải nghiệm của khách hàng, nhận diện và loại bỏ các vấn đề trong quy trình nội bộ, giảm chi phí, tìm kiếm dòng thu nhập mới, đồng thời tăng cường bảo mật và ngăn chặn gian lận.

Các neobank có thể dự đoán tốt hơn những gì khách hàng của họ cần ngay bây giờ hay trong tương lai, từ đó mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, kích hoạt lòng trung thành và gia tăng doanh thu.

Hầu hết các ngân hàng truyền thống chia nhóm khách hàng thành các phân khúc (thường theo thu nhập) và địa vị (thu nhập, giáo dục, tính cách, tham vọng...), sau đó xây dựng hành trình khách hàng, các sản phẩm và dịch vụ cho các nhóm cụ thể này. Các neobank thì khác, ngay từ ngày đầu tiên, chúng được vận hành dựa trên cơ sở dữ liệu, cho phép có thể “siêu cá nhân hóa” các sản phẩm và dịch vụ của mình cho một cá nhân thay vì một nhóm nhu cầu của khách hàng.

Các neobank triển khai cơ sở dữ liệu như phần cốt lõi của phát triển sản phẩm và gắn kết khách hàng. Ví dụ, các ngân hàng truyền thống dựa vào điểm số của cơ quan/phòng tín dụng và hoạt động của khách hàng trong quá khứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng; có nghĩa là họ thường sẽ không cho phép khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng hay sử dụng ít dịch vụ ngân hàng được vay. Ở Việt Nam, với mức độ khách hàng chưa từng sử dụng hay ít sử dụng dịch vụ ngân hàng cao, các khách hàng thường dễ tìm đến vay nặng lãi. Hầu hết các neobank vượt xa việc chấm điểm tín dụng truyền thống. Họ có công nghệ như giao diện lập trình ứng dụng (API), khoa học phân tích, trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ máy học, cùng với tư duy sáng tạo để sử dụng dữ liệu của bên thứ ba phi ngân hàng, ví dụ dữ liệu sử dụng điện thoại, lịch sử mua hàng qua thương mại điện tử, để đánh giá tốt hơn và cung cấp cho những khách hàng tốt trước đây không đủ điều kiện được vay với các điều khoản công bằng và bình đẳng.

Nền tảng số đó sẽ mang lại trải nghiệm khác biệt như thế nào cho khách hàng, thưa ông?

Ngày càng nhiều ngân hàng truyền thống trở nên có “tính hàng hóa”. Ngày nay, mọi ngân hàng đều cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giống nhau ít hay nhiều. Giống như tất cả các mặt hàng, chẳng hạn như nước sạch, vàng và dầu, sự khác biệt thường kết thúc ở giá cả, đi kèm sự xói mòn lợi nhuận, chẳng hạn lãi suất cho vay phải thấp nhất, ưu đãi hoàn tiền tốt nhất hoặc lãi suất tiền gửi phải cao.

Trong một thế giới kỹ thuật số, nơi khách hàng có rất nhiều lựa chọn về người mà họ có thể tin tưởng để giúp họ giải quyết các nhu cầu tài chính, thì tỷ lệ chú ý, mức độ gắn kết và lòng trung thành của khách hàng chính là chìa khóa để họ có thể chia sẻ “ví tiền” của mình.

Để tạo sự khác biệt bền vững, các ngân hàng mới và ngân hàng truyền thống sẽ tập trung vào việc trở nên gắn kết hơn trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Họ nhận ra rằng hoạt động ngân hàng đóng vai trò như một người hỗ trợ trong cuộc sống của khách hàng so với ban đầu chỉ thuần túy là một số tiện ích tài chính.

Theo xu hướng này, ngày càng có nhiều ngân hàng mới, với công nghệ tiên tiến và tư duy đổi mới, vượt ra ngoài phạm vi ngân hàng và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu lối sống của khách hàng, chẳng hạn như sức khỏe, mua sắm, du lịch và chơi game, đồng thời củng cố các dịch vụ này bằng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.

Tôi thực sự thấy tương lai của ngân hàng sẽ trở nên vô hình, gắn liền với cuộc sống của khách hàng hơn là cố gắng đứng một mình. Phải mất nhiều năm để hiểu đầy đủ ý nghĩa của Bill Gates khi ông nói vào năm 1994: “Ngành ngân hàng là cần thiết, ngân hàng thì không”. Những tiến bộ trong công nghệ, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, giao diện lập trình ứng dụng… đang khiến ngành ngân hàng phát triển nhanh hơn và tập trung vào tính hiệu quả, minh bạch, đổi mới và cải thiện cuộc sống của khách hàng.

Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt chính về văn hóa giữa neobank và các ngân hàng truyền thống trong việc cải tiến và tiếp cận công nghệ. Các neobank có xu hướng nhanh chóng và linh hoạt hơn trong việc sử dụng công nghệ, thường ưu tiên nó như một phần cốt lõi trong mô hình kinh doanh của họ. Họ cũng có xu hướng có văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm hơn, tập trung vào việc mang lại trải nghiệm cá nhân hóa và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.

 

Hiện nay các neobank đều đang ở dạng thí điểm. Ông dự báo gì về sự phát triển của mô hình ngân hàng số này tại Việt Nam trong tương lai? Các dịch vụ nào sẽ có lợi thế nhất khi các ngân hàng dạng mới này ở giai đoạn đầu của sự phát triển?

Trong những năm gần đây, lĩnh vực neobank toàn cầu đã có sự tăng trưởng đáng kể, với số lượng người dùng neobank dự kiến sẽ đạt 394 triệu vào năm 2023. Dựa trên xu hướng hiện tại, có khả năng mô hình ngân hàng thuần kỹ thuật số sẽ tiếp tục phát triển phổ biến và trở thành chủ đạo hơn trong những năm tới. Khi ngày càng có nhiều người sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày, họ cũng trở nên thoải mái hơn với việc quản lý tài chính trực tuyến. Xu hướng này đặc biệt mạnh ở các thị trường có dân số lớn chưa sử dụng hoặc ít sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ thấy nhiều ngân hàng thuần số ra mắt tại Việt Nam và các thị trường khác, cung cấp nhiều loại dịch vụ ngân hàng hoàn toàn kỹ thuật số và có thể truy cập thông qua thiết bị di động. Các ngân hàng này có thể sẽ tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa, thân thiện với người dùng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ, những người có nhiều khả năng am hiểu về kỹ thuật số hơn.

Hơn nữa, khi công nghệ đằng sau ngân hàng kỹ thuật số tiếp tục phát triển, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ thấy nhiều tính năng và khả năng nâng cao hơn được cung cấp bởi các ngân hàng thuần số. Trong thực tế triển khai neobank ở Việt Nam, những điều này sẽ bao gồm: Công cụ lên kế hoạch tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo tiên tiến hơn, trợ lý ảo và lời khuyên đầu tư được cá nhân hóa.

Nhìn chung, Việt Nam đang trong “cơn bão hoàn hảo” cho việc tăng tốc xây dựng neobank với tỷ lệ cá nhân chưa hay ít sử dụng dịch vụ ngân hàng cao, dân số phân tán về mặt địa lý, 33% dân số trong độ tuổi lao động sẽ là thế hệ GenZ vào năm 2025, vùng phủ sóng điện thoại di động trên toàn quốc và một dân số mê kỹ thuật số với khoảng 61 triệu người dành hơn 6 giờ cho phương tiện kỹ thuật số mỗi ngày. Tương lai neobank tại Việt Nam có vẻ rất tươi sáng và chúng ta có thể kỳ vọng sẽ thấy sự phát triển và đổi mới liên tục trong những năm tới.

Ông dự báo bao giờ Việt Nam có thể có 1 ngân hàng số đích thực hoạt động độc lập và phổ biến trên thị trường?

Thật khó để dự đoán thời điểm chính xác khi nào chúng ta có thể thấy một ngân hàng kỹ thuật số hoàn toàn độc lập hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với sự phát triển của các neobank trên toàn cầu và ở Việt Nam, có thể, nếu quy định cho phép, chúng ta có thể thấy một ngân hàng như vậy xuất hiện trong tương lai gần.

Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy thoải mái với ngân hàng thuần số và khi cơ sở hạ tầng cho thanh toán và nghiệp vụ ngân hàng kỹ thuật số trở nên mạnh mẽ hơn, nhu cầu về ngân hàng thuần số sẽ tăng lên. Đổi lại, điều này có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các loại ngân hàng này, dẫn đến sự tăng trưởng và phổ biến của chúng trên thị trường.

Cần lưu ý rằng, mặc dù các ngân hàng truyền thống hiện có thể đang thử nghiệm các công nghệ này, nhưng họ cũng có thể đang đầu tư và xây dựng các nền tảng ngân hàng kỹ thuật số của riêng mình. Do đó, chúng ta cũng có thể thấy các ngân hàng truyền thống tiếp tục hợp tác hoặc mua lại các ngân hàng số mới như một cách để tham gia vào thị trường ngân hàng thuần kỹ thuật số.

 

THỰC HIỆN: VŨ PHONG | THIẾT KẾ: ANH THƯ

sử dụng iframe bình luận có sẵn
Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất tiền gửi âm 0,1%

Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ, duy trì lãi suất tiền gửi âm 0,1%

(VNF) - Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên mức tăng cơ sở tiền tệ và giữ lãi suất huy động tại mức âm 0,1%.

Chống đô la hóa không đạt mục tiêu khi tỷ lệ găm giữ ngoại tệ tăng lên

Chống đô la hóa không đạt mục tiêu khi tỷ lệ găm giữ ngoại tệ tăng lên

(VNF) - Đây là nhận định của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia tại hội thảo công bố "Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2015".

Đề xuất quy chế quản lý tài chính công ty mẹ PVN

Đề xuất quy chế quản lý tài chính công ty mẹ PVN

(VNF) - Bộ Tài chính đang dự thảo Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (doanh nghiệp cấp I trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).

'VN-Index sẽ đạt khoảng 642 điểm vào cuối năm 2016'

'VN-Index sẽ đạt khoảng 642 điểm vào cuối năm 2016'

(VNF) - Theo Bloomberg, chỉ số chứng khoán chuẩn VN-Index của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục leo lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trước triển vọng tăng trưởng cao của nền kinh tế trong nước và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Công ty Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD mua khách sạn Mỹ

Công ty Trung Quốc chi 6,5 tỷ USD mua khách sạn Mỹ

Chiến dịch thâu tóm tài sản nước ngoài chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Năm 2015: Thất thu 10.000 tỷ đồng do thuốc lá lậu

Năm 2015: Thất thu 10.000 tỷ đồng do thuốc lá lậu

Chống thuốc lá lậu bằng việc sản xuất có kiểm soát theo đúng Chiến lược, quy hoạch của ngành thuốc lá đã được phê duyệt đồng thời kêu gọi nhân dân không hút thuốc lá.

Ngân hàng nào là chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai?

Ngân hàng nào là chủ nợ lớn của Hoàng Anh Gia Lai?

Cuối tuần vừa qua, thông tin Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã bán giải chấp cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) thuộc sở hữu của công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai thu hút sự chú ý của đông đảo giới tài chính.

Xăng dầu Nghi Sơn không đạt mức 4, Tiêu chuẩn Việt Nam

Xăng dầu Nghi Sơn không đạt mức 4, Tiêu chuẩn Việt Nam

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Bộ Công Thương vừa có một báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về sản phẩm của Dự án Liên hợp lọc hoá dầu (LHD) Nghi Sơn trong đó có nêu, chất lượng sản phẩm của Liên hợp này không đạt Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cấp 4 và cấp 5.

Thời gian 'lướt' mạng mỗi ngày của thanh niên Việt cao gấp 3 lần các nước ASEAN

Thời gian 'lướt' mạng mỗi ngày của thanh niên Việt cao gấp 3 lần các nước ASEAN

(VNF) - Như vậy, với tỷ lệ 4 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận internet trên thế giới thì số lượng thời gian sử dụng, truy cập internet của giới trẻ Việt Nam là khá cao.

Cận cảnh sự hoang tàn của siêu dự án Usilk City

Cận cảnh sự hoang tàn của siêu dự án Usilk City

(VNF) - Là một trong những dự án chung cư "khủng" ở Hà Nội vào thời điểm năm 2008, tuy nhiên, sau 8 năm xây dựng, dự án Usilk City mới chỉ hoàn thành 3 trong tổng số 13 tòa nhà.