Nhật Bản chi kỷ lục 41 tỷ USD trong một ngày để 'vớt' giá đồng yên

Linh Anh - 07/08/2024 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Theo dữ liệu do chính phủ công bố, Nhật Bản đã chi số tiền kỷ lục trong một ngày để kéo giá đồng yên vào tháng 4 vừa qua, khi đồng tiền quốc gia giảm xuống mức kỷ lục so với USD.

Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) cho thấy nước này đã chi 5.920 tỷ yên (khoảng 41 tỷ USD) vào ngày 29/4 để hỗ trợ đồng nội tệ. Đây là động thái can thiệp mua đồng yên lớn nhất từ ​​trước đến nay của chính quyền Tokyo.

Không chỉ vậy, hai ngày sau đó, tức ngày 1/5, ngân hàng Nhật Bản (BOJ) tiếp tục chi 3.870 tỷ yên với cùng mục đích.

Theo dữ liệu của MOF có từ năm 1991, kỷ lục trước đó về sự can thiệp như vậy là 5.620 tỷ yên được chi vào ngày 21/10/2022.

Đây là lần hiếm hoi dữ liệu chính thức xác nhận ngày tháng và số lượng các hoạt động mua yên, bán USD của chính quyền Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Được biết, tổng số tiền chi trong thời gian đó lên tới 9.790 tỷ yên, một kỷ lục trong quý về mua yên.

Hai đợt can thiệp bán USD ồ ạt đã giúp đẩy đồng yên tăng 5% từ mức thấp nhất trong 34 năm là 160,245 yên đổi 1 USD, nhưng vẫn chưa thể đảo ngược hoàn toàn tình trạng xuống giá của đồng tiền quốc gia.

Theo đó, đồng yên tiếp tục giảm giá và trượt xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 161,76 yên đổi 1 USD vào tháng 7, khiến Tokyo phải can thiệp một lần nữa và chi thêm 5.530 tỷ yên để hỗ trợ đồng tiền nội địa.

Vào cuối tháng 7, đồng yên đã tăng giá mạnh khi các nhà giao dịch tích cực hủy bỏ giao dịch chênh lệch lãi suất sau khi một loạt dữ liệu kinh tế làm dấy lên nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sớm cắt giảm lãi suất.

Dữ liệu riêng từ Bộ Tài chính ngày 7/8 cũng cho thấy dự trữ ngoại hối của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1.220 tỷ USD vào cuối tháng 7, giảm 12,4 tỷ USD so với tháng trước, chủ yếu là do lượng chứng khoán nước ngoài nắm giữ giảm.

Các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm dự trữ phản ánh việc bán trái phiếu kho bạc Mỹ để tài trợ cho hoạt động can thiệp bán USD, mua yên.

Chính quyền Nhật Bản không tiết lộ thành phần dự trữ ngoại hối của nước này, nhưng các nhà kinh tế tin rằng phần lớn chứng khoán nước ngoài nắm giữ đều nằm ở Kho bạc Mỹ.

Sự suy yếu nhanh chóng của đồng yên đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trong giới chức Nhật Bản và họ đã đe dọa sẽ có hành động "thích hợp" để ứng phó với tình trạng biến động quá mức.

Theo Kyodo News, Reuters
Đồng yên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm: BOJ đã chi 22 tỷ USD can thiệp?

Đồng yên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm: BOJ đã chi 22 tỷ USD can thiệp?

Tài chính quốc tế
(VNF) - Vào tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận lần can thiệp tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2022 với khoản chi 62 tỷ USD. Với sự biến động giá mạnh mẽ trong ngày 12/7, nghi vấn Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ lại được đưa ra.
Cùng chuyên mục
Tin khác