Thị trường tiền tệ từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận sự tăng giá ngoạn mục đến 9% của đồng yên Nhật (JPY) so với đồng USD cùng với nhiều đồng tiền mạnh khác, đồng thời cũng xác lập kỷ lục tăng cao nhất trong một năm rưỡi qua.
Việc đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tăng mạnh so với nhiều đồng tiền khác trên sàn giao dịch tiền tệ đang tạo ra những lo lắng nhất định cho chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy nền kinh tế, nhất là việc thúc đẩy lạm phát khi mà lạm phát hiện nay đang ở mức xấp xỉ 0%.
Lý do của việc tăng giá đồng Yên là bởi bối cảnh tăng trưởng yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là dấu hiệu đi xuống của kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tại Việt Nam, JPY tăng từ đầu năm đến nay không những ảnh hưởng chung tới mục tiêu GDP năm 2016 mà còn tác động mạnh tới các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản.
Một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc JPY tăng là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), một trong những đơn vị sử dụng vốn vay ODA từ chính phủ Nhật Bản.
Lợi nhuận năm 2015 giảm sâu do lỗ chênh lệch tỷ giá
Tại thuyết minh Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2015 mục "Vay và nợ thuê tài chính dài hạn" ghi nhận con số nợ hơn 4.360 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2015 của PPC với Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Khoản vay trên được thực hiện bằng đồng JPY theo Hợp đồng số 002/2006/HDCVL ngày 30/11/2006 do Tập đoàn điện lực Việt Nam(EVN) cho PPC vay lại nguồn vốn vay của JBIC.
Đây là khoản vay có thời hạn 22 năm 6 tháng, được trả gốc và lãi mỗi năm hai kỳ vào ngày 20/3 và 20/9 hàng năm với số tiền gốc bằng nhau cho mỗi kỳ là 1.124 tỷ JPY, kỳ thanh toán cuối cùng là ngày 20/3/2028.
PPC phải trả lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay theo từng hiệp định là 2.5%/1 và 0.2% /1 năm phí cho vay lại của EVN.
BCTC hợp nhất đã được kiểm toán năm 2015, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ 2% đạt gần 7.665 tỷ đồng chủ yếu là nguồn thu từ bán điện cho EVN, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 55% xuống còn gần 566 tỷ đồng so với năm 2014.
Theo ghi nhận tại BCTC hợp nhất, sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận này chịu tác động phần nhiều từ chi phí quản lý tài chính lên tới 733,04 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với năm 2014.
Đáng chú ý, lãi vay mà PPC phải trả là 120,229 tỷ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái lên tới 283,599 tỷ đồng, tổng cộng PPC phải trả cho JBIC số tiền lãi lên tới 403,898 tỷ đồng trong năm 2015, đây là hệ quả từ việc đồng yên tăng giá so với Việt Nam đồng trong năm qua.
Kỳ vọng tăng trưởng cao đi kèm nỗi lo Yên tăng giá
Khi mà dự báo hạn hán đã và đang diễn ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài đến hết quý II/2016 sẽ khiến cho nguồn điện cung ứng từ các nhà máy thủy điện khu vực này vào lưới điện quốc gia giảm sút thì ngành nhiệt điện lại đang được dự báo sẽ có một năm tăng trưởng doanh thu ngoài mong đợi.
Dự kiến trong năm 2016, nhiệt điện Phả Lại sẽ hòa vào lưới điện quốc gia một sản lượng điện khoảng 6,3 tỷ Kwh, cao hơn khá nhiều so với mức 5,71 tỷ Kwh điện năm 2015. Ngoài ra, năm 2016 này còn ghi nhận khấu hao tại dây chuyền 2 tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở mức 50-60 tỷ đồng/năm thay vì 500-700 tỷ đồng như những năm trước.
Thêm vào đó, PPC sẽ có giá bán điện mới cho giai đoạn từ năm 2016 trở đi phụ thuộc vào chi phí đầu tư cho dây chuyền 1 khi mà giá bán điện theo hợp đồng PPA (hợp đồng mua bán điện tạm tính) đối với dây chuyền 1 đã hết hiệu lực cuối năm 2015.
Khi mà kế hoạch nâng cấp dây chuyền này với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng vẫn trong giai đoạn tư vấn thì nhiều khả năng, giá hợp đồng cho năm 2016 chưa phản ánh chi phí đầu tư mới sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của Nhiệt điện Phả Lại tăng từ 9,2% lên 10%, chưa kể phần lợi nhuận thu về từ 26% vốn cổ phần của Nhiệt điện Hải Phòng đang tăng trưởng tốt.
Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự đoán tăng trưởng cho PPC trong năm nay là 63% đạt 7.961 tỷ đồng doanh thu và 773 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với năm 2015 với giả định tiền đồng mất giá 7% với JPY.
Tuy nhiên mới hết quý I/2016, đồng yên đã tăng mạnh so với VNĐ và đã vượt ngưỡng 7% tính từ đầu năm đến nay, điều này khiến PPC không khỏi lo lắng.
Theo tính toán, nếu tại thời điểm kết thúc năm tài chính, nếu JPY tăng / giảm 10% so với đồng Việt Nam trong khi mọi biến số khác giữ nguyên không đổi, thì lợi nhuận trước thuế của PPC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12 sẽ giảm/tăng một khoản khoảng 436 tỷ đồng.
Như vậy, nếu xét theo chiều tăng giá của JPY từ đầu năm đến nay, PPC đã ghi nhận một khoản giảm lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
Nếu từ giờ đến cuối năm 2016, tình hình kinh tế thế giới không có dấu hiệu tốt lên và chính phủ Nhật Bản không có các giải pháp mạnh tay hơn để kìm chế đà tăng của đồng yên, thì rất có thể con số bù lỗ tỷ giá mà Nhiệt điện Phả Lại phải trả không ngừng tăng lên, đồng nghĩa việc lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này sẽ bị giảm đi một con số đáng kể.
Cho dù ngành nhiệt điện đang có cơ hội tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ thì đối với PPC, sử dụng vốn vay ODA từ Nhật Bản khi xu hướng tăng giá đồng yên chưa có dấu hiệu dừng lại đang tạo ra nỗi lo cho Ban lãnh đạo công ty trong việc cải thiện lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông trong năm 2016 này.