Bất động sản

Nhóm Vinaconex muốn làm khu đô thị ở TP. Kon Tum

(VNF) - Tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương Liên danh Vinaconex và Công ty Cổ phần Vimeco (công ty trực thuộc Vinaconex) khảo sát, nghiên cứu đề xuất ý tưởng dự án (quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan…), lập thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư các dự án tại TP. Kon Tum.

Nhóm Vinaconex muốn làm khu đô thị ở TP. Kon Tum

Nhóm Vinaconex muốn làm khu đô thị ở Kon Tum.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết UBND tỉnh mới đây đã ban hành Công văn về việc nghiên cứu khảo sát đầu tư và tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết các dự án khu đô thị tại TP. Kon Tum.

Theo đó, tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương Liên danh Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) và Công ty Cổ phần Vimeco (công ty trực thuộc Vinaconex) khảo sát, nghiên cứu đề xuất ý tưởng dự án (quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan…), lập thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư các dự án tại TP. Kon Tum. Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 6 tháng.

Liên danh Vinaconex và Công ty Cổ phần Vimeco được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân TP. Kon Tum và các đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu, xác định cụ thể ranh giới, phạm vi khảo sát, đề xuất ý tưởng dự án, chủ trương đầu tư dự án đảm bảo không trùng lắp, chồng lấn với các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương; thông tin kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân TP. Kon Tum để xem xét.

Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng được yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị quan hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các hoạt động khảo sát, lập thủ tục đầu tư theo đúng quy định.

Vinaconex tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, ra đời vào ngày 27/9/1988. Vinaconex hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, xây lắp, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, xuất khẩu lao động và xuất nhập khẩu, đầu tư tài chính, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ. Trong đó, bất động sản được công ty xác định là một trong hai lĩnh vực kinh doanh then chốt bên cạnh lĩnh vực đầu tư.

Liên quan đến một dự án của Vinaconex, HĐQT của doanh nghiệp này vừa phê duyệt giao dịch mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR). Vinaconex ITC được biết đến là chủ đầu tư siêu dự án Khu đô thị Du lịch Cái Giá – Cát Bà (dự án Cát Bà Amatina) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.941 tỷ đồng với quy mô trên 172 ha, hợp tác cùng Vinaconex.

Tháng 6/2021, Vinaconex cũng đã huy động 2.200 tỷ đồng thông qua phát hành 10 lô trái phiếu để rót vốn vào dự án này. Hiện dự án vẫn chưa ghi nhận doanh thu do đang trong quá trình đầu tư.

Dự kiến quy mô đầu tư vốn của Vinaconex vào các dự án trong thời gian tới sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử như dự án cảng biển quốc tế Vạn Ninh tại Quảng Ninh mà tổng công ty góp 40% vốn và là tổng thầu xây lắp của dự án, mới được khởi công cuối tháng 10 vừa qua.

Trong một diễn biến khác, Vinaconex mới đây đã bán xong hơn 3 triệu cổ phiếu quỹ với giá giao dịch bình quân là 47.101 đồng/cổ phiếu. Giá trị thu về là hơn 145 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng, Vinaconex đạt doanh thu 3.610 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 16%, cùng kỳ đạt 15%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vinaconex giảm 70% xuống 535 tỷ đồng.

Tin mới lên