Nỗi lo lãi suất cắt cổ và nguy cơ đứt dòng FDI chất lượng cao

Hoàng Sơn - 28/01/2024 22:59 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Trong khi đó, theo ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) không chỉ giúp “nhẹ gánh” cho người dân mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành bảo hiểm.

VNF

Luật Đất đai 2024: 'Giá đất sẽ tăng một cách bền vững'

Liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, nhận định việc này sẽ có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo ông Tuấn, giá đất sẽ tăng một cách bền vững bởi Luật Đất đai (sửa đổi) thúc đẩy việc định giá đất sát với mặt bằng giá của thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Cụ thể, theo Luật Đất đai (sửa đổi), sẽ bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi đền bù cho các đối tượng có đất nằm trong diện thu hồi.

Ngoài ra, dự luật có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp góp phần tích tụ đất đai cho sản xuất; quyền cho thuê, liên doanh liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập; nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp đối với đối tượng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất… tất cả những quy định này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp, đất phi thương mại... từ đó gia tăng giá bất động sản nói chung.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhìn nhận Luật Đất đai mới sẽ giúp nguồn cung bất động sản sẽ được cải thiện. Một trong những lý do khiến nhiều dự án bị trì hoãn kéo dài là khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng do đền bù không thỏa đáng, cơ chế định giá theo thực tế thị trường sẽ hỗ trợ quỹ đất được triển khai nhanh hơn.

Nếu như trước đây việc tiếp cận đất đai không được quy định rõ ràng, thì hiện đã có các quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi), xác định loại đất nào sử dụng cho thương mại, loại đất phục vụ nhu cầu nào thì phải qua đấu thầu, đấu giá. Khi các chủ đầu tư có phương thức, quy định rõ ràng hơn để tiếp cận quỹ đất, nguồn cung ra thị trường sẽ không còn khan hiếm như hiện tại.

>>>Xem thêm: Luật Đất đai 2024: 'Giá đất sẽ tăng một cách bền vững'

Phát triển đô thị theo mô hình TOD là cả một quá trình phức tạp

Trong mô hình TOD, GS Đặng Hùng Võ đề cập đến 2 vấn đề chuyển dịch đất đai cần được quan tâm: một là đất để phát các tuyến giao thông công cộng nối giữa các "đô thị mắt lưới", hai là sự chuyển dịch đất đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị tại các "đô thị mắt lưới".

"Đối với đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng, cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng là hoàn toàn hợp lý vì đây là các dự án hạ tầng vì lợi ích công cộng không vì mục tiêu lợi nhuận", ông Võ nêu. 

Đối với các tuyến đường tàu điện trên cao, theo ông Võ, việc thu hồi đất không có gì đặc biệt, ở đây có thể đặt thêm vấn đề khai thác không gian dưới các thuyến đường tàu trên cao như thế nào cho có khả năng sinh lợi. Đối với các tuyến đường tàu điện ngầm, việc thu hồi đất để xây dựng các ga tàu là cần thiết, ngoài ra còn phải xem xét biệc bồi thường thiệt hại cho những thửa đất bên trên đường tàu điện ngầm khi không thể xây dựng nhà quá cao tầng.

"Sự thực, pháp luật đất đai cần quy định cụ thể về phạm vi thực hiện quyền bề mặt của mỗi thửa đất để minh bạch phạm vi thực hiện quyền bề mặt và xác định rõ ràng mức bồi thường đối với không gian bên trên và bên dưới thửa đất. Đến nay, luật pháp chưa thống nhất cách tiếp cận cũng là một trở ngại pháp lý cho phát triển đô thị, nhất là các đô thị dạng nén", ông Võ cho biết.

Trong khi đó, đối với vấn đề đổi mới cách tổ chức không gian đô thị tại các "đô thị mắt lưới", ông Võ cho rằng, chắc chắn không thể áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì không thể thu hồi toàn bộ đất của một đô thị hiện hữu. Hơn nữa, cơ chế thu hồi đất làm tăng rất cao chi phí thực hiện, thậm chí không thể tìm chi phí đủ để thực hiện. Mặt khác, áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất là trái với nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW.

Cơ chế "chuyển dịch đất đai" phù hợp nhất tại các "đô thị mắt lưới" chính là cơ chế "góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai" đã được triển khai thành công ở nhiều nước. Vấn đề còn lại là tìm ra lộ trình thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng "đô thị mắt lưới". 

Ông Võ cho rằng việc phát tiển đô thị theo định hướng của mô hình TOD là một định hướng hoàn toàn đúng, tuy nhiên, đi vào thực hiện cụ thể sẽ là cả một quá trình phức tạp. Khó khăn nhất vẫn là nguồn lực tài chính nào để thực hiện và sự đồng thuận của cộng đồng các cư dân đô thị hiện hữu.

"Đất đai là một nguồn lực chủ yếu để thực hiện, nhưng cơ chế nào để thu các giá trị đất đai tăng thêm do đô thị được nâng cấp mang lại cũng là chuyện rất phức tạp", ông Võ nêu vấn đề.

>>>Xem thêm: Phát triển đô thị theo mô hình TOD là cả một quá trình phức tạp

Nỗi sợ một thời: 'Vay ngoài lãi cắt cổ, vay trong cõng bảo hiểm'

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, nhận định quy định này là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một thị trường tài chính - bảo hiểm minh bạch và hiệu quả hơn, hướng tới lợi ích cho khách hàng.

Ngân hàng giờ đây không được phép gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với các dịch vụ ngân hàng khác đặc biệt là với các hợp đồng vay vốn kèm mua bảo hiểm nhân thọ để hưởng lãi suất thấp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không còn bị ép buộc phải mua bảo hiểm khi sử dụng các sản phẩm ngân hàng.

Không chỉ giúp “nhẹ gánh” cho người dân mà quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành bảo hiểm, khi mỗi công ty phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình để thu hút khách hàng, ông Việt nhận định.

“Đối với ngân hàng, họ cần phải điều chỉnh mô hình kinh doanh, đặc biệt là trong cách tiếp cận và tư vấn bảo hiểm cho khách hàng. Bằng việc thay đổi cách tiếp cận, từ việc tập trung vào số lượng sang chất lượng dịch vụ, và đặc biệt là việc đào tạo nhân viên để họ có thể hiểu rõ và tư vấn chính xác các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, ngân hàng có thể nâng cao giá trị dịch vụ của mình, từ đó củng cố niềm tin với khách hàng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững”, ông Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, để kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng được hiệu quả và minh bạch hơn, theo ông Việt, cần tập trung vào 3 vấn đề chính, bao gồm: tăng cường giám sát, kiểm tra và đánh giá hoạt động bán bảo hiểm của các ngân hàng và công ty bảo hiểm; nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm nhân thọ và phát triển những sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu và gần gũi với nhu cầu thực tế của khách hàng.

“Những bước đi này không chỉ giúp cải thiện hoạt động bancassurance, mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh và bền vững, nâng cao niềm tin của người dân trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm”, ông nhận định.

>>>Xem thêm: Nỗi sợ một thời: 'Vay ngoài lãi cắt cổ, vay trong cõng bảo hiểm'

Lý do khiến Việt Nam nguy cơ đứt dòng vốn FDI chất lượng cao

Các số liệu được công bố tại một diễn đàn mới đây cho thấy, trong quý I/2023, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất trong 22 năm trở lại đây. Thay vì đặt hàng tại Việt Nam, rất nhiều nhãn hàng nước ngoài đang chuyển hướng sang Bangladesh, nơi có những cam kết về xanh hóa ngành công nghiệp. Hay Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế Xanh - Tuần hoàn - Sinh học (BCG) hướng tới những hoạt động sản xuất ít tổn hại nhất đến môi trường nhằm thúc đẩy thu hút FDI.

Đây là một nguy cơ đối với kinh tế Việt Nam, trong đó nơi chịu tác động trực tiếp đầu tiên là các đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM.

Theo ông Marc Forni, chuyên gia WB, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TP. HCM. Năm 2018, TP. HCM phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 25% tổng lượng phát thải của cả nước, trong đó 93,6% đến từ ngành năng lượng. Năm 2022, lượng phát thải vượt mức 60 triệu tấn CO2.

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, TP. HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2.

Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Đồng thời, thành phố cũng đang bị đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Với thực tế này, các chuyên gia WB cảnh báo, trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Do đó, cần phục hồi tính cạnh tranh của TP. HCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp. Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu.

>>>Xem thêm: Lý do khiến Việt Nam nguy cơ đứt dòng vốn FDI chất lượng cao

Vụ khủng bố Đăk Lăk: ‘Mỹ khẳng định không dung túng tổ chức, cá nhân liên quan’

Ngày 25/1, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác phối hợp giữa phía Mỹ với các cơ quan chức năng Việt Nam trong quá trình điều tra vụ khủng bố tại Đắk Lắk hồi tháng 6/2023, do liên quan tới tổ chức có trụ sở tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

“Việc điều tra vụ án xảy ra tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng Việt Nam và Mỹ đã và đang thường xuyên trao đổi thông tin về các tổ chức và cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật hai nước cũng như luật pháp quốc tế”.

Bà Hằng cho biết, trong trao đổi với Bộ Công an Việt Nam, Mỹ khẳng định không dung túng bất cứ tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ việc, và cam kết hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc, nhằm ngăn chặn những hành động tương tự xảy ra, gây ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

"Chúng tôi tin tưởng tất cả các nước và Việt Nam cũng như Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới kiên quyết phản đối hành động khủng bố dưới mọi hình thức, phối hợp điều tra xử lý nghiêm minh hành động khủng bố theo quy định của luật pháp quốc tế," bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng bác bỏ hoàn toàn quan điểm có sự kỳ thị sắc tộc trong vụ việc. "Các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng như nhau. Chính phủ Việt Nam luôn tạo ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân", bà Hằng cho biết.

>>>Xem thêm: Vụ khủng bố Đăk Lăk: ‘Mỹ khẳng định không dung túng tổ chức, cá nhân liên quan’

Cùng chuyên mục
Tin khác