Tài chính

Nửa đầu năm, 17/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 53.000 tỷ, bằng 139% kế hoạch năm

(VNF) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa tổng kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Theo đó, tổng nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm của 19 doanh nghiệp nhà nước do CMSC quản lý ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm, 17/19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 53.000 tỷ, bằng 139% kế hoạch năm

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 UBQLVNN tại DN

Theo báo cáo của CMSC, tổng doanh thu hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty, không bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước đạt 892.166 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm và bằng 127% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng doanh thu của 19/19 công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty ước đạt 543.429 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ.

Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có doanh thu hợp nhất và công ty mẹ đều đạt cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)...

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 17/19 tập đoàn, tổng công ty, không bao gồm SCIC và VEC ước đạt 53.274 tỷ đồng, bằng 139% kế hoạch năm và bằng 91% so với cùng kỳ.

Đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch năm và với cùng kỳ là Petrovietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...

Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất của 16/19 tập đoàn, tổng công ty, không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), SCIC và VEC, ước đạt 125.829 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và bằng 121% so với cùng kỳ.

Tổng nộp ngân sách nhà nước 19/19 công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ như Petrovietnam, TKV và Petrolimex...

Nhiều dự án đầu tư quan trọng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiêu biểu như: dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành thương mại ngày 13/5/2022; dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa đồng bộ bằng dầu ngày 12/5/2022 và bằng than ngày 16/6/2022;

Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án và báo cáo Chính phủ tại văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được thực hiện đúng tiến độ; dự án xây dựng và đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên đã khởi công, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu dự các dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: CMSC)

Chiến lược chuyển đổi số được nhiều tập đoàn, tổng công ty tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu khả quan, đổi mới phương thức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, VNPT và Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty khác thực hiện chuyển đổi số.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, Ủy ban sẽ xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chiến lược, kế hoạch theo quy định; thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định và kế hoạch; đẩy mạnh giám sát tài chính, giám sát đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có nhiệm vụ nỗ lực hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022, bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao, đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao, bảo đảm có hiệu quả, phát triển bền vững.

19 tập đoàn, tổng công ty khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành.

Các doanh nghiệp cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng, có tính kết nối, lan toả, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm đúng kế hoạch và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật đồng thời, phát hiện và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả; lành mạnh hóa tài chính, xử lý dứt điểm nợ không có khả năng thành toán và các tài sản không sinh lời.

Tin mới lên