Tài chính quốc tế

Quan chức Đức vận động người dân chịu rét để ‘cai nghiện’ khí đốt Nga

(VNF) - Ông Peter Hauk, Bộ trưởng Nông nghiệp bang Baden-Württemberg của Đức, đã vận động người dân mặc thêm áo ấm, hạ nhiệt độ sưởi để có thể “cai nghiện” khí đốt Nga ngay lập tức.

Quan chức Đức vận động người dân chịu rét để ‘cai nghiện’ khí đốt Nga

EU ước tính có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay.

"Chỉ cần mặc thêm áo len, chúng ta đều có thể chịu được mức nhiệt 15 độ trong phòng thay vì 20 độ như thông thường. Không ai chết vì điều này cả. Nhưng có những người khác đang chết ", ông Hauk vận động người dân như một cách phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

"Chúng ta phải chặn nguồn tiền của ông Putin để tạo cơ hội cho tự do quay trở lại", vị quan chức Đức nhấn mạnh thêm.

Tuy vậy, tuyên bố này của ông Hauk đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, đặc biệt là sự phản đối mạnh mẽ từ Hiệp hội Người thuê nhà Đức bởi họ cho rằng việc hạ nhiệt độ phòng có thể khiến nhiều người đổ bệnh trong những tháng mùa đông, đặc biệt là những người cao tuổi.

Hiệp hội này đồng thời lưu ý rằng các chủ nhà ở Đức có nghĩa vụ pháp lý đảm bảo các phòng cho thuê được sưởi ấm ở mức nhiệt là 22 độ C và lắp đặt hệ thống thông gió phù hợp để ngăn chặn hơi ẩm tích tụ và nấm mốc xâm nhập.

Lời kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga của vị quan chức Đức được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Đức đang lên kế hoạch nhanh chóng chấm dứt việc mua dầu và than của Nga trong năm nay và gần như ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga vào giữa năm 2024.

Phát ngôn viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Năng lượng Tim McPhie thì cho biết khối sẽ "chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga vào năm 2027".

Ông McPhie cũng cho biết rằng EU đã ước tính có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết sẽ được công bố vào cuối tháng 5.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài khi giá khí đốt đã tăng vọt trong những tháng gần đây do lượng dự trữ thấp và nhu cầu phục hồi sau đại dịch tăng cao. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản xuất điện gió, lại cho hiệu quả thấp.

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu. Dù vậy, lượng khí đốt xuất khẩu từ Nga sang châu Âu bắt đầu giảm từ giữa năm 2021 và giảm mạnh hơn từ đầu năm 2022 trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phuơng Tây đang leo thang mạnh mẽ.

Mỹ và EU thời gian gần đây đã liên tục trao đổi, tập trung vào việc mở rộng nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Washington cho EU, xem đây như là giải pháp để giảm sự phụ thuộc của lục địa này vào khí đốt của Nga.

Xem thêm >> 'Từ bỏ năng lượng Nga là hành động tự sát của EU’

Tin mới lên