Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn số 1981/UBND-KT về việc xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật trong việc xác định giá đất các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Xây dựng tỉnh này căn cứ vào yêu cầu hạ tầng kỹ thuật tối thiểu để xác định lại chi phí hạ tầng tại thời điểm lập hồ sơ mời thầu nhằm có cơ sở xem xét lại 38 dự án bất động sản đã thực hiện.
Cụ thể, đối với các dự án đã thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP bao gồm các dự án chưa phê duyệt giá đất cụ thể và các dự án đã phê duyệt giá đất cụ thể sau ngày 09/8/2021(ngày quyết định 23/2021/QĐ-UBND có hiệu lực), UBND tỉnh giao Sở Xây dựng căn cứ vào yêu cầu hạ tầng kỹ thuật tối thiểu (trong hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu) và điều chỉnh (quy hoạch, ranh giới…) để xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật tối thiểu tại thời điểm lập hồ sơ mời thầu để làm cơ sở xem xét lại (đối với các dự án đã phê duyệt giá đất cụ thể) hoặc để thực hiện việc định giá đất (đối với các dự án chưa định giá).
Cùng với đó, căn cứ vào kết quả do Sở Xây dựng báo cáo thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc định giá đất theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với quy trình xác định chi phí hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở cho việc thực hiện công tác định giá đất đối với các dự án.
Được biết, từ năm 2016 - 2022, tỉnh Quảng Bình có 40 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị được triển khai thực hiện, trong đó có 38 dự án do Sở Xây dựng là bên mời thầu và trực tiếp ký hợp đồng thực hiện dự án đối với các nhà đầu tư và 02 dự án lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã được chấp thuận nhà đầu tư.
Căn cứ vào quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt, Sở Xây dựng xác định sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án để làm cơ sở lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thực tế phải nộp được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh Quảng Bình đối với nhà đầu tư.
Cụ thể địa phương đã áp dụng phương pháp thặng dư tại Thông tư số: 36/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm căn cứ xác định giá đất trên địa bàn. Việc này được tỉnh Quảng Bình xem xét, đánh giá lại là chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN-MT, có thể làm thất thu ngân sách nhà nước nên ra công văn rà soát 38 dự án do Sở Xây dựng mời thầu.
Việc xác định lại chi phí hạ tầng kỹ thuật tối thiểu là phù hợp với pháp luật về đất đai và tránh thất thoát ngân sách nhà nước. 38 dự án này có tổng tài sản đất ước tính trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Hiện Sở Xây dựng Quảng Bình đang mời tư vấn độc lập đánh giá lại 38 dự án này.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.