Quảng Nam: Tập đoàn VN Đà Thành muốn đòi lại 4,9 tỷ đồng tiền ký quỹ

Nhuệ Lộc - 04/11/2022 09:16 (GMT+7)

(VNF) - Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn VN Đà Thành mong muốn nhận được sự cảm thông và cho phép doanh nghiệp này được hoàn lại số tiền ký quỹ với số tiền 4,9 tỷ đồng, để có nguồn tài chính giải quyết chi phí hỗ trợ ngoài phương án các hộ dân nhằm đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

VNF
Quảng Nam: Tập đoàn VN Đà Thành muốn đòi lại 4,9 tỷ đồng tiền ký quỹ

Đòi lại tiền ký quỹ

Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư đô thị Hà Quảng, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành cho biết đơn vị này đã triển khai các công tác từ thủ tục hồ sơ pháp lý cũng như việc giải phóng mặt bằng cho đến thi công cơ sở hạ tầng của dự án để đáp ứng tiến độ của dự án. 

Về tiền ký quỹ để thực hiện dự án, Tập đoàn VN Đà Thành cũng đã hoàn thành nghĩa vụ nộp 4.905.000.000 đồng vào ngày 14/3/2019 theo đúng cam kết thực hiện dự án đầu tư.

Trải qua thời gian 5 năm kể từ khi được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận cho Tập đoàn VN Đà Thành là chủ đầu tư dự án đến nay, tiến độ thực hiện dự án vẫn bị chậm. Nguyên nhân là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc vào việc triển khai của các cơ quan Nhà nước cũng như sự hợp tác của các hộ dân.

Chính vì vậy, Công ty đã 2 lần xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án nhưng đến thời điểm hiện nay công ty mới thực hiện giải phóng mặt bằng được 25% của cả dự án. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch tài chính của doanh nghiệp này.

Để đảm bảo tiến độ của dự án, Tập đoàn VN Đà Thành cho rằng doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng như: chia nhiều tổ đi gõ cửa từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền đền bù; thực hiện việc hỗ trợ thêm cho người dân ngoài phương án.

“Hiện nay, với thực trạng nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của Công ty trong 3 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid. Việc tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng cũng rất khó thực hiện đối với những Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên toàn quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của Công ty”, Tập đoàn VN Đà Thành thông tin.

Qua đó, Tập đoàn VN Đà Thành mong muốn nhận được sự cảm thông và cho phép doanh nghiệp này được hoàn lại số tiền ký quỹ với số tiền 4,9 tỷ đồng, để có nguồn tài chính giải quyết chi phí hỗ trợ ngoài phương án cho các hộ dân nhằm đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Sau khi nhận được văn bản của doanh nghiệp trên, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành làm việc, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tham mưu giải quyết.

VN Đà Thành làm ăn ra sao?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành là một doanh nghiệp tư nhân có vai vế trên thị trường địa ốc, được thành lập vào ngày 14/8/2012 tại TP. Đà Nẵng; tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại VN Đà Thành.

Vốn điều lệ sáng lập của Đà Thành ở mức 20 tỷ đồng, góp bởi 5 cá nhân gồm Trần Quốc Bảo (1983), Nguyễn Thị Thanh Thủy (1980), Phan Thị Năm (1969), Võ Thị Thu Nga (1970) và Nguyễn Thị Thanh Hương (1972). Trong đó, ông Bảo là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 58%, theo sau là bà Thủy (38%) và bà Năm (8%).

Thông tin mà VietnamFinance có được cho thấy, năm 2016, phần lớn tài sản của Đà Thành đến từ các khoản nợ, chiếm tới gần 120 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 50,9 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 2,3 lần (hệ số D/E).

Tuy nhiên, sự chênh lệch này dần được cân bằng qua các năm nhờ các đợt tăng vốn liên tiếp của giới chủ doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2017 - 2020, hệ số D/E lần lượt ở mức 0,84 lần, 0,86 lần, 0,37 lần và 0,3 lần. Lúc này, tổng tài sản cũng tăng nhanh từ 576 tỷ đồng (năm 2017) lên 1.325 tỷ đồng (năm 2020).

Nhưng một điểm gợn, đó là Đà Thành luôn duy trì khoản phải thu ngắn hạn ở mức cao cho thấy dấu hiệu đang bị chiếm dụng vốn. Đồng thời, khả năng sinh lợi của doanh nghiệp cũng khá nghèo nàn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu thuần của Đà Thành tăng nhanh từ 83,8 tỷ đồng (năm 2016) lên mức "đỉnh" 268,7 tỷ đồng (năm 2018) và dần chững lại cho đến năm 2020 với gần 250 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại khá ít ỏi với 1,3 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng, 6,9 tỷ đồng, 4,7 tỷ đồng và 1,1 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác