Bất động sản

Quốc hội đồng ý đầu tư 85.813 tỷ làm đường vành đai 4 vùng Thủ đô, khai thác từ năm 2027

(VNF) - Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô là 85.813 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Quốc hội đồng ý đầu tư 85.813 tỷ làm đường vành đai 4 vùng Thủ đô, khai thác từ năm 2027

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km. (Ảnh minh họa)

Ngày 16/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Với kết quả 474/475 đại biểu tán thành (chiếm 95,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại...

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Nghị quyết cũng nêu rõ nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 816ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258ha, đất dân cư khoảng 58ha và đất khác khoảng 209ha. Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…

Nghị quyết giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án...

Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó có 58,2km đi qua TP. Hà Nội; 19,3km đi qua tỉnh Hưng Yên; 25,6km đường vành đai 4 và tuyến nối 9,7km đi qua tỉnh Bắc Ninh. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha.

Điểm đầu đường vành đai 4 tại km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối tại km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tin mới lên