Săn mua bất động sản Mỹ, Úc: 'Làn sóng ngầm' trong giới nhà giàu Việt

Nam Phương - 27/11/2022 22:52 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, chủ đầu tư ì ạch tìm khách hàng, thì sản phẩm bất động sản nước ngoài lại thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư thứ cấp trong nước.

VNF
Mục đích mua nhà ở nước ngoài của người Việt rất đa dạng

Dò đáy, săn hàng

Mới đây, một sàn giao dịch bất động sản ở quận Bình Thạnh (TP. HCM) đã chào bán sản phẩm nghỉ dưỡng tại Úc, Mỹ, thu hút sự quan tâm của khách hàng người Việt tại TP. HCM.

“Mục đích mua nhà tại Úc, Mỹ rất đa dạng. Nhiều gia đình có con du học tìm cách mua nhà để định cư, có người lại mua theo dạng căn nhà thứ 2 song song với nhà tại Việt Nam, mua để đầu tư nhằm cho thuê lại, hoặc vừa ở vừa cho thuê phòng trống nhằm sinh lợi trong khi vẫn sở hữu nhà và hưởng giá trị đất tăng”, chị Hạnh Nguyên, một môi giới bất động sản cho biết.

Theo chị Nguyên, dù với bất kỳ mục đích nào thì khách hàng người Việt đều rất chú ý đến vị trí căn nhà và khả năng sinh lời, tăng trưởng của bất động sản khu vực đó. Ví dụ tại Úc, hầu hết khách hàng muốn mua nhà ở gần trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc học tập, làm việc hoặc các nhu cầu di chuyển khác. Một số sản phẩm tại các khu vực được chính quyền ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giãn dân hoặc mua ở các vùng ngoại ô thanh bình ôn hòa cũng được quan tâm.

“Giá bất động sản trong nước đang ở ngưỡng cao, đặc biệt ở các sản phẩm nhà phố, biệt thự khả năng cho thuê và đầu tư không còn hấp dẫn, trong khi bất động sản Úc tăng trưởng ổn định, trung bình từ 7-10%/năm và sở hữu tính minh bạch bậc nhất thế giới. Tỷ suất lợi nhuận cho thuê luôn được duy trì, lên đến 8% là khá hợp lý”, anh Tùng Minh, một nhà đầu tư cá nhân ở TP. HCM cho biết.  

“Tôi quan tâm và tính toán sản phẩm bất động sản các khu vực cận ngoại ô Melbourne với mức giá trung bình khoảng 550.000 – 700.000 AUD với mức sinh lời từ cho thuê khoảng 9%/năm là hấp dẫn”, chị Huyền Anh, khách hàng ở Bình Dương tham gia một sự kiện chào bán bất động sản của Úc tại Bình Thạnh chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lại dò đáy sản phẩm nghỉ dưỡng tại Mỹ. “Dư âm về con số hơn 3 tỷ USD mà người Việt đã chi ra để mua nhà ở Mỹ từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017 do Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vừa công bố vẫn còn khiến nhiều người bất ngờ. Con số này đưa Việt Nam lọt vào top 10 nước có người mua nhà nhiều nhất tại Mỹ. Tới năm 2019-2020 thì giá nhà tại Mỹ tăng cao khiến nhiều người tuột mất cơ hội sở hữu. Hiện bất động sản Mỹ đang xì hơi nhanh chóng do giá nhà cao còn lãi suất vay thế chấp lại tăng mạnh, doanh số bán nhà giảm sâu. Đây chính là cơ hội cho khách hàng người Việt”, một môi giới lâu năm chuyên các sản phẩm bất động sản tại Mỹ và Úc ở quận 1 chia sẻ.

Chị Thủy Nguyễn, một Việt kiều tại San Jose cho hay, sức hút của bất động sản Mỹ trước hết nằm ở quy trình mua bán nhanh gọn, sổ đỏ rất dễ cấp, chỉ tốn chi phí vài chục USD. Có thể mua bán online dễ dàng. Thường chỉ trong vòng 2 tuần là đã có thể sở hữu nhà. Nhiều trường hợp người Việt trong nước mua nhà ở Mỹ cho thuê nhưng nhờ người thân ở Mỹ đứng tên. Lợi nhuận từ tiền thuê nhà tại Mỹ cao hơn so với tại Việt Nam.

“Thành phố San Jose nằm cạnh thung lũng silicon, cái nôi của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Facebook, Google, Intel… Vì vậy, tiền thu được từ cho thuê nhà ở đây cũng cao, trung bình trên 3.500 USD/tháng so với giá trung bình 1.600 - 2.000 USD ở các thành phố khác của California, đầu tư mua nhà cho thuê hợp lý”, chị Lyli Trần, người đã sở hữu nhà tại Mỹ và chuyên cho thuê nhà ở thành phố Santa Ana, phía Nam Los Angeles, bang California cho biết.

Chị cho hay, hầu hết tại các thành phố lớn của Mỹ, đa số người dân đi thuê hơn là mua nhà nên hầu như ít khi phải để nhà trống. Các điều kiện của ngân hàng cho vay mua nhà hiện nay vẫn chưa được nới lỏng, nhất là đòi hỏi về công việc và mức lương ổn định nên rất nhiều người lao động ở Mỹ càng khó mua nhà. Ngoài ra, không giống như quan niệm của người Việt và người Á Đông cho rằng “an cư lạc nghiệp”, người Mỹ không chú trọng nhiều vào một ngôi nhà cố định mà họ muốn ở qua nhiều nơi và dành tiền đi du lịch nên thuê là giải pháp được ưa chuộng.

Cảnh báo những rủi ro

“Xu hướng người Việt mua nhà ở Mỹ và ở nước ngoài ngày càng tăng lên”, ông Phạm Thanh Bình, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Thủ Đức thừa nhận. Ông Bình cũng cho hay, qua khảo sát cho thấy hiện người Việt mua nhà ở nước ngoài ngày càng nhiều, tại một số công ty đang triển khai dịch vụ tư vấn và môi giới, cho thấy mỗi năm chắc chắn có hơn 1.000 giao dịch.

Dò đáy mua bất động sản ở Mỹ hay Úc tại thời điểm này khá hấp dẫn 

Theo Luật sư Lê Văn Cường (đoàn LS TP. HCM), hiện nay chuyện di cư kèm đó là mua và sở hữu nhà ở nước ngoài nổi lên như một làn sóng thứ 3. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đang diễn ra khá âm thầm do những quy định về chuyển tiền và sở hữu.

“Luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài lại có hạn chế. Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi quy định về giao dịch ngoại hối cho hoạt động đầu tư (có đăng ký, được cấp phép), còn việc mua nhà ở với mục đích cá nhân thì chưa có quy định. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan dự án đầu tư trực tiếp. Do vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều “chiêu” lách luật, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro”, LS Cường nói.

Thông thường, phương thức phổ biến nhất mà người Việt áp dụng, đó là chuyển tiền cho người thân hoặc con cái đang du học và sử dụng tiền đó thanh toán tiền mua nhà. Từ đó, tại Việt Nam xuất hiện dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài không chính thống. Dịch vụ này thường có ở một số cửa hàng thu đổi ngoại tệ bằng cách khách hàng ở Việt Nam chuyển tiền cho họ, thì người nhà ở nước ngoài sẽ nhận được khoản tiền tương đương bằng USD ngay chỉ sau 1-2 tiếng qua một đối tác ở địa phương. Dịch vụ này thường có mức phí khoảng 3% - 5%.

Tuy nhiên, các dịch vụ chuyển tiền không chính thống thường chứa đựng nhiều rủi ro. Không phải ai cũng chuyển tiền suôn sẻ, không ít người đã mất trắng vì những dịch vụ chuyển tiền như vậy. Vì việc giao dịch mua bất động sản ở nước ngoài khá phức tạp, nên nhiều chuyên gia khuyên người mua cần sử dụng luật sư riêng, các nhà tư vấn và môi giới chuyên nghiệp để đảm bảo việc giao dịch thành công. Luật sư sẽ bảo vệ quyền lợi và thông báo mọi việc cho khách hàng.

“Việc này cũng rất tốn kém, mức phí tư vấn pháp lý mua nhà ở nước ngoài rất cao lên tới 30% giá trị bất động sản đó nên thường chúng tôi ít có khả năng sử dụng dịch vụ”, chị Hương, một nhà đầu tư tại quận 7 (TP. HCM) chia sẻ.

Theo chị Hương việc dò đáy mua bất động sản ở Mỹ hay Úc tại thời điểm này khá hấp dẫn nên nhà đầu tư lưu ý đến lợi nhuận nhiều hơn. “Lợi nhuận lớn thì đồng nghĩa bạn cũng sẽ đối mặt với rủi ro cao. Vì thế, việc cẩn trọng là cần thiết nhưng nhà đầu tư Việt vẫn có gắng lách luật để tìm kiếm cơ hội mua bất động sản ở nước ngoài, các chủ đầu tư trong nước cũng nên suy nghĩ thêm về việc chú trọng đầu tư lâu dài, hạ giá bán để bất động sản trong nước hấp dẫn trở lại”, chị Hương cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác