Sắp trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ Tài chính vẫn chậm trễ
Ái Châu Tử -
28/07/2020 10:46 (GMT+7)
(VNF) – Để có thể trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cần dự kiến nguồn vốn đầu tư công cho giai đoạn này. Để dự kiến được nguồn vốn, Chính phủ cần phương án cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ đã giao việc này cho Bộ Tài chính nhưng đến nay bộ này vẫn chưa làm xong.
Theo quy định tại Điều 59, Điều 65 Luật Đầu tư công năm 2019, chỉ còn khoảng 2 tháng rưỡi nữa Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Có 2 cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gồm: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và dự kiến nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương triển khai xây dựng theo quy trình rút gọn, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 7 này.
Tuy nhiên đối với dự kiến nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, câu chuyện có phần phức tạp hơn.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14/7/2020, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng phương án cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở xác định tổng chi đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo thường trực Chính phủ trước ngày 15/7/2020.
Song, đến nay, Bộ Tài chính chưa có phương án cân đối ngân sách nhà nước cho giai đoạn tới.
Để kịp tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bộ đã báo cáo Thủ tướng tại văn bản số 4766/BKHĐT-TH ngày 23/7/2020, trong đó đề xuất nếu Bộ Tài chính không kịp trình phương án theo tiến độ dự kiến thì căn cứ theo khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công, xác định nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 bằng giai đoạn 2016-2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm triển khai và thông báo các địa phương.
Hạn chế khởi công dự án mới trong năm 2021
Về kế hoạch đầu tư công năm 2021, theo quy định Điều 56, Điều 61 Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp kế hoạch đầu tư công năm 2021 báo cáo Chính phủ trước ngày 31/8/2020. Như vậy, thời gian theo quy định không còn nhiều.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán năm 2021, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 6 lưu ý, kiến nghị đối với kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Một trong những kiến nghị đáng chú ý là phân định rõ mức vốn bố trí cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự án khởi công mới trong kế hoạch 2021; hạn chế tối đa việc khởi công mới các dự án trong bối cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa được phê duyệt và những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý cần bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư; các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định của giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 phải tập trung bố trí vốn hoàn thành trong năm 2021, hạn chế tối đa việc báo cáo thường trực Chính phủ kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do 2021 là năm chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, dự báo khả năng cân đối vốn đầu tư công năm 2021 sẽ khó khăn nên bộ đề nghị các địa phương lựa chọn các dự án phù hợp, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định.
Dự kiến trong tháng 8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai các hội nghị xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 (lồng ghép với kế hoạch 2021) với các địa phương theo 3 vùng, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức làm việc với một số địa phương lớn. Các nội dung cụ thể, kiến nghị, đề xuất của từng địa phương sẽ được thảo luận, chia sẻ tại các hội nghị này.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone