Bất động sản

Sau nhiều lần ‘trượt vỏ chuối’, cuối cùng MBLand cũng ‘ăn chắc’ dự án nhà ở gần 800 tỷ tại Bình Định

(VNF) – Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư tham gia đăng ký thực hiện dự án khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng. Theo đó, liên danh Công ty Cổ phần Tasmania Bình Định và Công ty Cổ phần Tổng công ty MBLand là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng đạt năng lực, kinh nghiệm.

Sau nhiều lần ‘trượt vỏ chuối’, cuối cùng MBLand cũng ‘ăn chắc’ dự án nhà ở gần 800 tỷ tại Bình Định

Sau nhiều lần ‘trượt vỏ chuối’, cuối cùng MBLand cũng ‘ăn chắc’ dự án nhà ở gần 800 tỷ tại Bình Định (ảnh minh họa)

Dự án khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng nằm tại phường Tam Quan và phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Dự án có quy mô khoảng 9,9ha, tổng mức đầu tư khoảng hơn 793 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 737 tỷ đồng, còn 56,3 tỷ là chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 3 năm kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Sau khi UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hồi tháng 4, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đăng thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng.

Sau đó, đơn vị duy nhất là liên danh Công ty Cổ phần Tasmania Bình Định và Công ty Cổ phần Tổng công ty MBLand đã đăng ký thực hiện dự án. Liên danh này có địa chỉ tại số 316 Trần Phú, phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngày 14/6, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt liên danh nói trên là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.

Theo quy định, để trở thành nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp là 25% tổng vốn đầu tư của dự án (tương đương 198,3 tỷ đồng).

Được biết đây là dự án hiếm hoi trong thời gian qua mà MBLand trúng được. Gần đây nhất, MBLand đã mất dự án khu dân cư hai bên đường Lý Tự Trọng (nối dài) và vùng phụ cận tại tỉnh Gia Lai vào tay liên danh Tây Bắc – Glexhomes .

Lùi xa hơn, trong cuộc cạnh tranh dự án khu đô thị tại xã Nghi Phú và Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An hơn 1.000 tỷ đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang, MBLand cũng bị loại do không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính của hồ sơ mời quan tâm.

Được biết, trong quá trình đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đã 2 lần có văn bản đề nghị Liên danh Công ty Cổ phần Tổng công ty MBLand - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD1 làm rõ năng lực tài chính nhưng không nhận được phản hồi. Vì thế, Sở đã tiến hành đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của liên danh nhà đầu tư dựa trên thông tin của hồ sơ đăng ký đã nộp.

Một dự án khác mà MBLand cũng từng trượt cách đây không lâu là khu đô thị mới Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án có quy mô mô 52,3ha, tổng mức đầu tư 2.218 tỷ đồng. Có 3 đơn vị tham gia cạnh tranh là: Liên danh Công ty Cổ phần Trường Thịnh Phát Lạng Sơn - Công ty Cổ phần Trường Thịnh Phát; Liên danh Công ty Cổ phần Long Thuận Lộc - Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Nhất Nam; Công ty Cổ phần Tổng công ty MBLand.

Với MBLand, mặc dù nhà đầu tư này đạt 63 điểm, không thấp hơn mức tổng điểm đánh giá về năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu tối thiểu (60/100 điểm), nhưng kết quả đánh giá điểm từng tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, sáng kiến cải thiện về đầu tư, quản lý đô thị của nhà đầu tư không đáp ứng quy định của hồ sơ mời sơ tuyển nên bị loại. Dự án cuối cùng đã thuộc về Trường Thịnh Phát.

Về tài chính của MBLand, như VietnamFinance đã thông tin tại các bài viết trước đó, doanh nghiệp này có tiền thân là Công ty Cổ phần Địa ốc MB (MBLand) được thành lập ngày 25/1/2008, được biết tới là nhà phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa…

Trải qua 10 năm phát triển, năm 2018, MBLand đã đổi chủ khi Tập đoàn Mường Phăng tham gia mua cổ phần và trở thành lãnh đạo mới của doanh nghiệp này (Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Gia Long, người giữ chức chủ tịch Mường Phăng và Tài Nguyên).

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, Công ty mẹ - MBLand không thực sự kinh doanh tốt. Về doanh thu thuần, năm 2016 đạt 161 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 218 tỷ đồng, năm 2018 tăng đột biến lên 1.576 tỷ đồng nhưng năm 2019 giảm xuống còn 278 tỷ đồng.

Lãi trước thuế của Công ty mẹ - MBLand thậm chí còn đi giật lùi trong cùng giai đoạn, lần lượt đạt: 68 tỷ đồng, 67 tỷ đồng, 55 tỷ đồng và 20,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong suốt 3 năm 2017 – 2019, dòng tiền kinh doanh của MBLand đều là số âm với mức âm rất nặng, lần lượt là: -148,8 tỷ đồng, -626,4 tỷ đồng, -90,8 tỷ đồng.

Xem thêm:

Bức tranh tài chính Tổng công ty MBLand: Lợi nhuận giật lùi, dòng tiền âm nặng

Hệ sinh thái MBLand biến đổi ra sao kể từ khi Tập đoàn Mường Phăng xuất hiện?

Loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của MBLand: Làm ăn bết bát, lãi lẹt đẹt

Tin mới lên