Tài chính

SCIC toan tính gì khi lùi thời điểm thoái vốn tại NTP, BMP và FPT?

(VNF) – Bước đi bất ngờ của SCIC sẽ giúp Nhà nước thu về nhiều tiền hơn khi tiến hành thoái vốn tại NTP, BMP và FPT?

SCIC toan tính gì khi lùi thời điểm thoái vốn tại NTP, BMP và FPT?

SCIC vừa bất ngờ lùi thời điểm thoái vốn tại NTP, BMP và FPT

Giới đầu tư Việt Nam đang trải qua thời kỳ đầy ngọt ngào khi VN-Index tăng không ngừng nghỉ. Kết thúc tuần qua, VN-Index đã phá ngưỡng 960 điểm trong bối cảnh dòng tiền liên tục đổ thêm vào thị trường, đặc biệt là dòng tiền từ khối ngoại. Xét trong 3 tháng gần đây, VN-Index đã tăng tới trên 20%.

Từ chỗ thị trường "xanh vỏ đỏ lòng" thời kỳ đầu khi chỉ có một vài cổ phiếu "trụ" kéo VN-Index tăng điểm thì đến nay, sắc xanh đã tìm đến nhiều cổ phiếu "trụ" khác và lan sang hàng loạt mã cổ phiếu có vốn hóa trung bình, trong đó 3 cổ phiếu mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự tính thoái vốn gồm: NTP của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh và FPT của Công ty Cổ phần FPT.

Chỉ trong một tháng qua, cổ phiếu NTP đã tăng tới 16,88%; cổ phiếu BMP tăng tới 29,05% trong khi cổ phiếu FPT cũng giữ mức tăng khá mạnh 15,64%.

Trong đà tăng có vẻ còn chưa dừng ấy, SCIC bất ngờ lùi thời điểm thoái vốn tại NTP, BMP và FPT sang năm 2018 thay vì dự định hoàn thành toàn bộ vào ngày 13/12 như tính toán trước đó.

Vì sao SCIC lùi thời điểm thoái vốn?

Có những nguyên do chung và riêng lý giải cho quyết định của SCIC. Đầu tiên, nguyên do chung dễ thấy là diễn biến tích cực của thị trường.

Trả lời câu hỏi rằng liệu thị trường có đang bong bóng không? Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nêu quan điểm rõ ràng rằng: Không.

Theo ông Linh, xét ở góc độ dòng tiền và định giá, so sánh với giai đoạn hình thành bong bóng 2007 và 2009 của TTCK Việt nam và 2015 của TTCK Trung Quốc, không có dấu hiệu của bong bóng trong năm 2017 này.

Ông Linh phân tích thêm, về dòng tiền trong nước, tín dụng hiện tại tăng vừa phải và được kiểm soát để hạn chế đổ vào đầu tư tài chính. Quy mô của thị trường cũng đã rất lớn, dòng tiền nóng khó đủ để hình thành bong bóng. Về dòng tiền nước ngoài, là một phần kích thị trường tăng nhưng dòng tiền này có tạo thành bong bóng không thì chắc chắn không.

Về định giá, ông Linh tính toán trong lịch sử hình thành bong bóng của Việt Nam và Trung Quốc thì định giá tăng nhanh, P/E thường tăng gấp đôi trong khoảng 6 tháng - 1 năm. Hiện tại P/E mới tăng 1,2 lần.

Không bong bóng, cũng nghĩa là thị trường đang bước đi tương đối bền vững. Các cổ phiếu cơ bản như NTP, BMP hay FPT hoàn toàn có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2017 và cả sang đầu năm 2018, nhất là khi mức tăng thời gian qua với NTP hay FPT dù đáng khích lệ nhưng chưa phải cao so với thị trường; trong khi BMP tăng mạnh nhưng lại tăng sau một thời kỳ giảm sâu và hiện vẫn chưa về lại mặt bằng giá thời điểm đầu tháng 7/2017 trở về trước.

Giới đầu tư đang trải qua thời kỳ đầy ngọt ngào khi VN-Index tăng không ngừng nghỉ

Đó là câu chuyện chung. Với câu chuyện riêng, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong mới đây (30/11) đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên bất thường thông qua 3 tờ trình, trong đó đáng chú ý là tờ trình số 01 về việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Động thái này chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tăng mới cho cổ phiếu NTP.

Còn với FPT, "con cưng" FPT Retail của tập đoàn này dự tính sẽ niêm yết trên sàn HoSE muộn nhất vào tháng 4/2018. Nếu FPT Retail lên sàn trước thời điểm SCIC thoái vốn khỏi FPT thì siêu tổng công ty này hoàn toàn có thể hưởng lợi bởi đây là thông tin tích cực cho cổ phiếu FPT.

Hẳn nhiều nhà đầu tư vẫn đang rất ấn tượng với thành công vượt bậc của cặp "mẹ con" Vingroup – Vincom Retail. Kể từ khi Vincom Retail lên sàn, không chỉ cổ phiếu VRE của nhà bán lẻ này tăng vùn vụt với mức tăng lên đến 46% trong 1 tháng qua mà cổ phiếu VIC của Vingroup cũng tăng tới 24,33%. Câu chuyện tương tự sẽ xảy ra với cặp "mẹ con" FPT – FPT Retail?

Theo quy định hiện hành, khi thoái vốn Nhà nước, giá khởi điểm của cổ phiếu đưa ra đấu giá ít nhất phải bằng giá thị trường (giá sàn của phiên giao dịch liền kề trước phiên đấu giá) nhằm đảm bảo không "thất thoát vốn Nhà nước". Rõ ràng, nếu giá thị trường tăng lên, SCIC nói riêng và Nhà nước nói chung sẽ hưởng lợi, điều này phần nào lý giải cho quyết định lùi thời điểm đấu giá NTP, BMP và FPT của SCIC.

Tin mới lên