Tiêu điểm

'Siêu Ủy ban' sẽ ra mắt vào ngày 27/9, kỳ vọng thúc nhanh tái cơ cấu DNNN

(VNF) - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chính thức tổ chức lễ ra mắt tại Hà Nội vào ngày 27/9 tới sau hơn nửa năm được thành lập.

'Siêu Ủy ban' sẽ ra mắt vào ngày 27/9, kỳ vọng thúc nhanh tái cơ cấu DNNN

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ra đời sẽ quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước.

Lễ ra mắt sẽ được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước đó, như VietnamFinance đã đề cập, ngày 13/1/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 66/QĐ-TTg lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Theo Quyết định, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng Tổ công tác; Tổ Phó là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các tổ viên khác gồm các bộ trưởng, trưởng ngành như: Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thành viên Tổ công tác gồm Thứ trưởng các bộ, người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp (DN) như: Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và bà Hoàng Thị Ngân, Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ làm thư ký Tổ công tác.

Tiếp đó, vào tháng 2/2018, lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ thành lập Ủy ban và trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban đã được tiến hành.

Tại lễ công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng Ủy ban cần đi tiên phong, đổi mới phương pháp quản lý. Trong dài hạn, Ủy ban phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm được giao, nhất là hai nội dung chính: đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và tập trung đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động mọi mặt của các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hồi đầu tháng 9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 8/2018 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là giao thời hạn cụ thể về việc phải trình Nghị định về chức năng nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DNNN.

Trao đổi với VietnamFinance, một chuyên gia cho biết sở dĩ Ủy ban ra mắt khá muộn là vì phải đợi nghị định nói trên của Chính phủ để có cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động.

7 tập đoàn và 12 tổng công ty dự kiến chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban:

1 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

2 - Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN)

3 - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

4 - Tập đoàn Cao-su Việt Nam (VRG)

5 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)

6 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

7 - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

8 - Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)

9 - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

10 - Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone)

11 - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

12 - Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR)

13 - Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

14 - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)

15 - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

16 - Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1)

17 - Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)

18 - Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2)

19 - Tổng công ty Cà-phê Việt Nam (Vinacafe)

 

Xem thêm: Phó thủ tướng: Cân nhắc nâng cấp SCIC thành 'siêu uỷ ban'

Tin mới lên