'Siêu ủy ban vẫn như một doanh nghiệp thuộc các bộ'

Ngọc Hà - 27/09/2019 16:11 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Đình Cung, vai trò của Siêu ủy ban tại doanh nghiệp là thừa, nếu vẫn không tách bạch quyền chủ sở hữu và quyền quản lý Nhà nước.

VNF
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra nhận định như vậy tại một hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới đây. Theo ông, hiện Nhà nước luôn có xu hướng dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp vào hoạt động kinh doanh bằng cách kiểm soát. Trong khi đó, các "ông chủ sở hữu" mới là đối tượng thực sự có động lực để nâng cao hiệu quả và cần được tự chủ.

"Như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Siêu ủy ban) tại doanh nghiệp đã được thành lập, nhưng chưa thực hiện đầy đủ quyền chủ sở hữu của mình mà vẫn như một doanh nghiệp đứng dưới các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Cung nói

Hiện, chức năng đại diện chủ sở hữu đã được bàn giao 100% từ các bộ về Siêu Ủy ban, nhưng vấn đề là nội dung, sứ mệnh, chức năng của doanh nghiệp nhà nước chưa được phân định chuẩn trong phân công giữa hai cơ quan.

"Việc chưa phân định" này cũng khiến các doanh nghiệp bị "kẹt" và ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa. Nói với VnExpress, đại diện một tổng công ty chia sẻ, điều này dẫn đến các quyết định đầu tư hay các mục tiêu kinh tế - xã hội của họ khó được phê duyệt hoặc chậm trễ, ảnh hưởng tới việc kinh doanh.

Cũng theo vị này, do chưa có sự chuẩn bị về việc thay đổi thẩm định chuyên sâu của các bộ (các nội dung về kỹ thuật ngành, phê duyệt dự án) sang Ủy ban (chủ yếu chuyên về hiệu quả kinh tế, quy trình đầu tư) dẫn đến đùn đẩy, né trách nhiệm giữa hai bên.

Một thực tế khác là việc giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng vướng. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, Ủy ban là đầu mối giao các chỉ tiêu cho tổng công ty, tập đoàn từ năm 2019. Tuy nhiên, theo phó giám đốc chiến lược một tổng công ty, có thể các bộ phận chức năng của họ chưa hiểu sâu về mô hình công ty mẹ - con, nên chỉ giao chỉ tiêu cho các tổng công ty, tập đoàn theo chỉ tiêu công ty mẹ. Điều này dẫn đến giao, đánh giá kết quả hoạt động không sát với bản chất mô hình công ty mẹ - con.

"Gần đây nhiều ý kiến cho rằng không cần Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nữa vì Ủy ban không thực hiện đúng chức năng, vai trò của mình. Việc tách bạch quyền chủ sở hữu và quyền quản lý là hoạt động mang tính kỹ thuật, có thể làm được ngay và không cần phải đổi mới tư duy hay chờ chiến lược mới", ông Cung nói.

Bình luận với VnExpress về các ý kiến trên, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, việc tách bạch quyền chủ sở hữu và quyền quản lý Nhà nước là câu chuyện của cơ quan xây dựng luật, chính sách như Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Còn về phía Ủy ban ông Hùng nói hiện "không có ý kiến gì".

Câu chuyện tách bạch vai trò sở hữu và quản lý vốn được nhiều học giả đặt ra từ lâu. Trước đây, PGS.TS Ngô Trí Long cũng chỉ ra, vướng mắc lớn nhất của tư duy quản lý là quá xem nặng tài sản quốc gia như của riêng Nhà nước và phải quản, nhưng thực ra "cha chung không ai khóc". Trong khi đó, yêu cầu số một của cơ chế thị trường là phân bổ nguồn lực tối ưu lại không được quan tâm đầy đủ.

Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, đã dẫn giải ý kiến của các chuyên gia nước ngoài rằng, ở Việt Nam phân mảng quyền lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cực lớn. "Hiểu một cách nôm na chỗ nào có tiền là cơ quan nào cũng muốn giành để vào, nếu không gạt bỏ được điều này thì rất khó để thay đổi tư duy và tách bạch được quyền chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước", ông nói.

Siêu Ủy ban chính thức ra mắt ngày 30/9/2018 và đã tiếp nhận 19 tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Siêu Ủy ban quản lý vốn chủ sở hữu gần 1 triệu tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo VNE
Cùng chuyên mục
Tin khác