Tài chính quốc tế

Sri Lanka kêu gọi Trung Quốc giảm bớt gánh nặng nợ để ‘cứu’ nền kinh tế

(VNF) - Ngày 9/1, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã đề nghị Trung Quốc tái cơ cấu các khoản vay và tiếp cận tín dụng ưu đãi để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nhằm mục đích “cứu” nền kinh tế đang trong thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất, theo AP.

Sri Lanka kêu gọi Trung Quốc giảm bớt gánh nặng nợ để ‘cứu’ nền kinh tế

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa chụp ảnh chung ngày 9/1/2022.

Theo Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, việc tái cơ cấu các khoản nợ sẽ là “sự cứu trợ lớn” đối với Sri Lanka và là giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại đảo quốc tại Nam Á.

Không chỉ tái cơ cấu các khoản vay, phía văn phòng tổng thống Sri Lanka còn cho biết đã đề nghị phía Trung Quốc giãn nợ để có thể phục hồi kinh tế sau đại dịch, đồng thời hỗ trợ cho phép khách du lịch Trung Quốc tới Sri Lanka.

Đề nghị này được đưa ra trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Sri Lanka từ ngày 8/1.

Trung Quốc là bên cho vay song phương lớn nhất của Sri Lanka và chuyến thăm của bộ trưởng Vương Nghị diễn ra sau khi có cảnh báo từ các cơ quan xếp hạng quốc tế rằng Sri Lanka có thể sắp vỡ nợ.

Trong chuyến công du tới Sri Lanka, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa - anh trai Tổng thống Gotabaya cũng đến thăm Thành phố Cảng của Colombo, một hòn đảo khai hoang được phát triển với sự đầu tư của Trung Quốc để thực hiện nghi lễ khánh thành chiếc thuyền kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong bài phát biểu của mình tại thành phố Cảng, ông Vương cho biết đại dịch Covid-19 dai dẳng và chưa được kiểm soát hoàn toàn đã gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế và 2 quốc gia phải coi kỷ niệm quan hệ ngoại giao như một cầu nối để hợp tác sâu rộng hơn nữa. Tuy vậy, ông Vương chưa nêu ra bất kỳ biện pháp cứu trợ nào cho Sri Lanka.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy Trung Quốc chiếm khoảng 10% trong tổng số 35 tỷ USD nợ nước ngoài của Sri Lanka cho đến tháng 4/2021. Các quan chức cho biết tổng cho vay của Trung Quốc có thể cao hơn nhiều nếu tính đến các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng trung ương.

Sri Lanka đã vay rất nhiều từ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, mà một vài trong số các cơ sở đó không tạo ra doanh thu. Do không thể trả khoản vay 1,4 tỷ USD để xây dựng cảng ở miền nam Sri Lanka, quốc gia này đã buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê cơ sở này trong 99 năm, bắt đầu từ năm 2017.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của quốc đảo đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt đã dẫn đến việc chia khẩu phần ăn tại các siêu thị và thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu.

Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm xuống chỉ còn 1,5 tỷ USD vào cuối tháng 11 – chỉ đủ để thanh toán cho lượng hàng nhập khẩu trong khoảng một tháng.

Công ty cung cấp năng lượng chính của quốc gia đã bắt đầu phân phối điện một cách cầm chừng vào ngày 7/1, sau khi hết ngoại tệ để nhập khẩu dầu cho các máy phát nhiệt.

Xem thêm >> Sri Lanka trục xuất tàu chở nguyên liệu hạt nhân cho Trung Quốc

Tin mới lên