Thị trường

Tân Việt Bắc Lạng Sơn xin nâng công suất thủy điện Đèo Khách từ 5MW lên 14MW

(VNF) - Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn đã có công văn gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xem xét thẩm định ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch nâng công suất thủy điện Đèo Khách, tỉnh Lạng Sơn từ 5MW lên 14MW.

Tân Việt Bắc Lạng Sơn xin nâng công suất thủy điện Đèo Khách từ 5MW lên 14MW

Ảnh minh họa

Dự án thủy điện Đèo Khách, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 27/9/2019 với công suất 5MW.

Công ty Tân Việt Bắc Lạng Sơn cho biết sau khi thực hiện khảo sát, nghiên cứu dự án thủy điện Đèo Khách, nhận thấy công suất 5MW phù hợp tại thời điểm Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ toàn quốc tại Quyết định số 3454 ngày 18/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Thời điểm đó, sơ đồ công nghệ khai thác thủy năng còn thấp, hiệu suất thiết bị không cao dẫn đến lãng phí tài nguyên nước.

Do đó, ngày 20/1/2020, doanh nghiệp đã có văn bản xin điều chỉnh công suất thủy điện Đèo Khách lên 14MW.

Sau đề xuất này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở ban ngành của tỉnh thực hiện thẩm tra đối với đề xuất trên và đã được các sở ban ngành thông qua.

Đến tháng 4/2020, UBND tỉnh đã ban hành tờ trình Bộ Công Thương đề nghị thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ toàn quốc đối với dự án thủy điện Đèo Khách.

Phản hồi kiến nghị của tỉnh Lạng Sơn và phía doanh nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) yêu cầu hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cần phải có giải pháp phù hợp để khắc phục ảnh hưởng của mực nước lũ khi có đập thủy điện Đèo Khách đối với công trình cầu giao thông Na Sầm.

Về phương án đấu nối nhà máy thủy điện Đèo Khách vào hệ thống điện cần được đề xuất trên cơ sở các quy hoạch. Còn về diện tích chiếm đất của dự án, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu hồ sơ quy hoạch cần phải thống kê đầy đủ các loại diện tích đất bị chiếm dụng, trong đó nêu rõ diện tích chiếm đất có rừng, rừng tự nhiên (nếu có).

Cũng theo cơ quan này, hiện các dự án thủy điện Tràng Định 1, Tân Việt và Đào Viên chưa có trong quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Vì vậy, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị không đưa vào sơ đồ khai thác bậc thang thủy điện và sơ đồ phương án đấu nối các dự án thủy điện này vào lưới điện khu vực.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị Công ty Tân Việt Bắc Lạng Sơn hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn để có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh quy hoạch dự án này.

Tại địa phương này, Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn được biết đến là chủ đầu tư dự án thủy điện Tràng Định 2 (xã Đào Viên, huyện Tràng Định), có quy mô công suất thiết kế 29,8MW với tổng vốn đầu tư 1.048,6 tỷ đồng. Dự án này được tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021 và hiện đang dính lùm xùm khi chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng đã rầm rộ thi công ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn có trụ sở tại số 37A, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp được thành lập ngày 11/6/2019 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do ông Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1984) làm giám đốc kiêm người đại diện.

>>> Xem thêm: Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao 195ha ở Lạng Sơn

Tin mới lên