Tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Còn khoảng trống lớn giữa chính sách và thực thi
(VNF) - Lãnh đạo EuroCham đánh giá Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa các chính sách này, trong đó, các bên liên quan đang chờ các hướng dẫn tiếp theo để bắt tay vào thực thi.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Dominik Meichle, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), đánh giá Việt Nam đang có những bước tiến tích cực trên con đường phát triển bền vững và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng của các lĩnh vực xanh, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào việc xây dựng các chính sách cụ thể và rõ ràng.
EuroCham đánh giá ra sao về quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam? Theo EuroCham, đâu là những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế này?
Ông Dominik Meichle: Việt Nam đang có những bước tiến hướng tới phát triển bền vững, với cam kết phát thải ròng bằng 0 được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, cùng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cho thấy cam kết rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió, đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. Tính đến tháng 4/2024, các nguồn này đã tạo ra tổng cộng 14,55 tỷ kWh điện, chiếm hơn 15% tổng sản lượng điện cả nước. Sự tăng trưởng này phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam là tăng đáng kể tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu lĩnh vực năng lượng lên 30,9 - 39,2% vào năm 2030 - mức tăng mạnh mẽ từ mức chỉ 0,32% ghi nhận năm 2014.
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành gần đây là một bước phát triển đầy hứa hẹn có thể đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này bằng cách cho phép các công ty mua năng lượng tái tạo trực tiếp từ các nhà sản xuất. Tuy nhiên, thành công cuối cùng của DPPA trong việc thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi năng lượng tái tạo sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện hiệu quả nghị định này.
Việt Nam cũng là một “người chơi” rất năng nổ trên trường quốc tế. Các bạn đã tích cực tham gia vào các thỏa thuận khí hậu quốc tế và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Một quan hệ đối tác đáng chú ý là Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Sáng kiến trị giá 15,5 tỷ USD này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam khỏi sản xuất điện đốt than, một bước quan trọng hướng tới đạt được các mục tiêu về khí hậu.
JETP giúp Việt Nam có cơ hội nhận được hỗ trợ tài chính lẫn kỹ thuật đáng kể từ các đối tác quốc tế như Team Europe (Nhóm Châu Âu), bao gồm Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi của đất nước sang hệ thống năng lượng bền vững hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đáng kể cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam. Sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, đạt mức kỷ lục 64,6% tổng sản lượng điện vào tháng 4/2024, vẫn là trở ngại lớn để đạt được mục tiêu khử carbon. Mặc dù chính phủ Việt Nam đang tích cực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào than và phát triển các nguồn năng lượng thay thế, việc tách tăng trưởng kinh tế khỏi tiêu thụ than vẫn là một thách thức phức tạp.
Ngoài ra, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trong việc thực hiện các chính sách này và các bên liên quan đang chờ các hướng dẫn tiếp theo. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng gió ngoài khơi, nơi mà việc thiếu các quy định rõ ràng đã cản trở sự phát triển bất chấp tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Hợp lý hóa các quy định và cải thiện tính minh bạch trên tất cả các lĩnh vực xanh là rất quan trọng để tạo ra môi trường đầu tư ổn định và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực và sáng kiến mà EuroCham đã thực hiện nhằm hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh?
Ông Dominik Meichle: Một trong những sáng kiến quan trọng của chúng tôi là Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024, diễn ra tại TP. HCM từ ngày 21/10 đến 23/10. GEFE 2024 là cơ hội duy nhất để trực tiếp chứng kiến các công nghệ và giải pháp thân thiện với môi trường mới nhất đang chuyển đổi các ngành công nghiệp, tham gia các cuộc thảo luận do các chuyên gia dẫn dắt về các chủ đề bền vững quan trọng và kết nối với các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng.
Ngoài GEFE, EuroCham cũng tích cực ủng hộ sự phát triển bền vững. Ủy ban Tăng trưởng Xanh của chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xây dựng các chính sách môi trường hiệu quả và khuyến khích đối thoại giữa các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.
Ủy ban Lĩnh vực Tài chính Bền vững của chúng tôi có nhiệm vụ phát triển các giải pháp tài chính xanh, nâng cao nhận thức về các nguyên tắc ESG và ủng hộ các chính sách khuyến khích đầu tư xanh.
Sách Trắng hàng năm của chúng tôi với chủ đề “Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh hơn và bền vững hơn” năm nay cũng đóng vai trò là nền tảng hợp tác, tổng hợp những hiểu biết sâu sắc và khuyến nghị từ các bên liên quan khác nhau nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh bền vững ở Việt Nam.
Chúng tôi tích cực hợp tác với chính phủ, đảm bảo những khuyến nghị này trực tiếp cung cấp thông tin cho việc phát triển và thực hiện các chính sách xanh hiệu quả mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
EuroCham có tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu Net-Zero không, thưa ông?
Ông Dominik Meichle:EuroCham tin tưởng chắc chắn rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng về lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mặc dù hành trình này không hề dễ dàng nhưng với sự lập kế hoạch và hợp tác cẩn thận trên tất cả các lĩnh vực, một tương lai bền vững vẫn nằm trong tầm tay.
Cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (PCI) gần đây của chúng tôi cho thấy một xu hướng đầy hứa hẹn: Một số lượng đáng kể thành viên của chúng tôi (18,4%) hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 và 6,6% đã đạt được điều đó. Điều này thể hiện mong muốn mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc hướng tới sự bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, bao gồm: Người tiêu dùng “miễn cưỡng” trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững; lỗ hổng trong các ưu đãi và quy định của chính phủ; khả năng tiếp cận năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải hạn chế; khó khăn về tài chính và thiếu nhận thức của nhân viên. Khung pháp lý không rõ ràng và chuỗi cung ứng phức tạp cũng gây khó khăn cho việc đo lường và giảm lượng khí thải.
Bằng cách giải quyết những rào cản này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường nơi các doanh nghiệp, cả châu Âu và Việt Nam, được trao quyền để đặt ra và đạt được các mục tiêu trung hòa carbon đầy tham vọng.
Các doanh nghiệp châu Âu luôn nỗ lực hỗ trợ Việt Nam chuyển hướng sang nền kinh tế xanh. Bằng cách chia sẻ kiến thức, hợp tác với các đối tác Việt Nam và đưa ra các giải pháp sáng tạo, chúng tôi tin rằng có thể đạt được những tiến bộ đáng kể.
Với những chiến lược đúng đắn và cam kết mạnh mẽ của tất cả các bên liên quan, chúng tôi lạc quan rằng Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu không phát thải ròng và hưởng lời từ một nền kinh tế xanh thịnh vượng.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định phát triển bền vững
Là một trong những nhà xuất khẩu chủ lực sang EU, các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này dẫn đến nhiều yêu cầu khác nhau mà các công ty này cần phải tuân thủ về tính bền vững, an toàn lao động, quản trị,...
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các đơn vị này cần trang bị cho mình kiến thức về các quy định được ban hành gần đây về vấn đề này, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chỉ thị thẩm định về tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD), Quy định chống mất rừng của EU (EUDR).
Theo quan sát của chúng tôi, không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực lên kế hoạch cho chiến lược phát triển bền vững. Một số doanh nghiệp vẫn đang khá chậm chạp trong tiến trình này.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Thành viên HĐQT Ủy ban Ngành Tài chính bền vững EuroCham
Khung pháp lý về tăng trưởng xanh quyết định nguồn vốn FDI những năm tới
Phản ánh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ưu tiên phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp EU coi Việt Nam là trung tâm chiến lược của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đầu tư công nghệ cao và xanh đang nổi lên như một xu hướng nổi bật của các công ty châu Âu tại Việt Nam trong những năm gần đây. Để tăng cường hơn nữa tăng trưởng thương mại và kinh tế, việc cải thiện liên tục về tính công khai, minh bạch và hiện đại hóa hành chính công là rất quan trọng đối với Việt Nam.
Nhiều công ty đa quốc gia đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất của họ trong vòng 2-5 năm tới. Điều này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam vì khung pháp lý về tăng trưởng xanh sẽ quyết định nguồn vốn FDI trong những năm tới.
Ông Khuất Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Tăng trưởng Xanh EuroCham
CEO trẻ nhất Bosch Việt Nam làm Chủ tịch EuroCham
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone