Tập đoàn Đất Xanh: Lãi trước thuế hơn 2.000 tỷ, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm nặng

Tào Minh - 22/01/2019 19:05 (GMT+7)

(VNF) – Kết thúc năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) lãi trước thuế 2.101 tỷ đồng, tăng 57% so với năm trước.

VNF
năm 2018, Tập đoàn Đất Xanh lãi trước thuế hơn 2.000 tỷ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 vừa được công bố, doanh thu thuần của DXG trong quý IV là 1.408 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn có sự sụt giảm (giảm 25%) nên lợi nhuận gộp tăng 49%, đạt 1.019 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu tài chính tăng 80% (đạt 27 tỷ đồng), phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng tăng gấp 3 lần (đạt 130 tỷ đồng), trong khi chi phí quản lý và chi phí bán hàng chỉ tăng không đáng kể, nên lợi nhuận trước thuế tăng tới 58%, đạt 855 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2018, doanh thu thuần của DXG đạt 4.645 tỷ đồng, tăng 61%. Dù giá vốn tăng mạnh hơn (tăng 76%) nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 51%.

Doanh thu tài chính trong năm có sự đột phá khi tăng 3 lần, đạt gần 207 tỷ đồng. Phần lãi trong công ty liên doanh liên kết cũng có mức tăng gấp đôi, đạt 256 tỷ đồng. Tất cả đã giúp lợi nhuận trước thuế của DXG đạt 2.102 tỷ đồng, tăng 57%.

Mặc dù lãi lớn, nhưng dòng tiền kinh doanh của DXG vẫn trong tình trạng âm nặng (-685 tỷ đồng). Dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do sự tăng mạnh của các khoản phải thu (2.354 tỷ đồng), hàng tồn kho (800 tỷ đồng), lãi vay (248 tỷ đồng)…

Về tài sản, tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của DXG là 13.774 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 11.496 tỷ đồng, tăng 30%; tài sản dài hạn là 2.278 tỷ đồng, tăng 60%.

Cơ cấu tài sản của DXG đáng chú ý với sự sụt giảm của tiền gửi, từ 1.683 tỷ đồng xuống còn 1.147 tỷ đồng (giảm 46,7%).

Các khoản phải thu ngắn hạn có mức tăng đáng kể (tăng 62%) lên hơn 2.100 tỷ đồng, phần lớn do sự gia tăng của khoản phải thu ngắn hạn khác (lên đến 3.570 tỷ đồng – là khoản DXG kí quỹ, kí cược cho các hợp đồng tiếp thị và phân phối dự án bất động sản).

Hàng tồn kho trong năm cũng tăng hơn 1.200 tỷ đồng (tương đương tăng 35%) lên 4.605 tỷ đồng. Bất động sản dở dang chiếm tới 82% tổng giá trị hàng tồn kho của DXG, tập trung tại các dự án: Gemriverside (1.427 tỷ đồng), Phố Mơ (381 tỷ đồng), Tuyên Sơn (308 tỷ đồng), Opal City (347 tỷ đồng)…

Về nguồn vốn, nợ phải trả của DXG tại ngày 31/12/2018 là 7.542 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng (tương đương 34%) so với cùng kì. Nợ ngắn hạn là 4.918 tỷ đồng, tăng 32%; nợ dài hạn là 2.623 tỷ đồng, tăng 39%.

Trong cơ cấu nợ của DXG, khoản “phải trả ngắn hạn khác” chiếm tỷ trọng lớn với 2.002 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với đầu kì. Đây là số tiền DXG thu hộ cho chủ đầu tư dự án (1.157 tỷ đồng), nhận vốn góp từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (378 tỷ đồng), nhận kí quỹ, kí cược ngắn hạn (198 tỷ đồng)…

Nợ vay dài hạn năm qua của DXG có sự tăng trưởng đáng kể (tăng 28%) lên 2.394 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số đó (2.277 tỷ đồng) là trái phiếu.

Vốn chủ sở hữu của DXG tại ngày 31/12/2018 là 6.232 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu kì, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DXG là 1,2 lần.

Cùng chuyên mục
Tin khác