Tập đoàn Phú Mỹ đầu tư khu công nghiệp hơn 210ha tại Hoà Bình

An Chi - 23/07/2022 07:24 (GMT+7)

(VNF) - Dự án hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú tại Hoà Bình có quy mô sử dụng đất là 214,29 ha, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư.

VNF
Khu công nghiệp Phú Nghĩa do Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư.

Ngày 22/7, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 883/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú. Dự án được giao do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm nhà đầu tư. 

Quy mô sử dụng đất của dự án là 214,29ha (không bao gồm 21,57ha đất rừng, giữ nguyên chức năng đồi núi) tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trong đó bao gồm phần diện tích đất đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất và phần diện tích đất còn lại để nhà đầu tư thuê đất, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Về tổng vốn đầu tư của dự án, Phó thủ tướng đề nghị nhà đầu tư xác định lại tổng vốn đầu tư của dự án trên cơ sở quy mô sử dụng đất của dự án và phương án hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã được sử dụng cho dự án, đồng thời đảm bảo vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Theo quyết định, tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 22/7/2022.

Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án và theo quy định của pháp luật. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình có nhiệm vụ chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình và các cơ quan có liên quan phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất với các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây về tiền thuê, phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phương án đấu nối hạ tầng vào hệ thống kết cấu hạ tầng chung của khu công nghiệp Bình Phú, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện.

Đồng thời chỉ đạo nhà đầu tư đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, đảm bảo kết nối với các nhà máy, cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây tại khu công nghiệp.

Về nhà đầu tư, theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tập đoàn Phú Mỹ tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp và Hạ tầng thành lập ngày 29/6/2001, được sáng lập bởi doanh nhân Chu Đức Lượng (sinh năm 1969), khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến kinh doanh than, xây lắp dân dụng và công nghiệp.

Sau hơn 20 phát triển, doanh nghiệp này đã xây dựng một hệ sinh thái với các lĩnh vực kinh doanh như đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, thi công xây dựng các công trình, đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị, sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Tập đoàn Phú Mỹ có địa chỉ tại km25, QL6, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Tập đoàn có 3 cổ đông gồm bà Nguyễn Thị Diệu Huyền, ông Chu Duy Vũ và ông Chu Đức Lượng. Trong đó, ông Chu Đức Lượng nắm 90% cổ phần. Ngoài ra, ông Chu Đức Lượng còn là đại diện của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hoà Phú Invest, Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển công nghiệp Phú Mỹ.

Từ 2018 đến nay, Tập đoàn Phú Mỹ đã có 2 lần thực hiện tăng vốn điều lệ. Trong đó, lần thứ nhất là vào tháng 8/2018, doanh nghiệp này thực hiện tăng vốn điều lệ từ 450 tỷ đồng lên thành 800 tỷ đồng. Đến tháng 5/2021, vốn điều lệ của Phú Mỹ đã tăng gần gấp đôi, lên thành 1.509 tỷ đồng.

Được biết, trước khi được chấp thuận đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú, Tập đoàn Phú Mỹ đã từng là chủ đầu tư các dự án khu công nghiệp khác như: khu công nghiệp Hòa Phú quy mô 400ha tại tỉnh Bắc Giang, khu công nghiệp Phú Nghĩa quy mô 170ha tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.